Hai nền kinh tế Việt - Nhật có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển, hai nền kinh tế Việt - Nhật có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Sáng nay 7/3 tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản.

Cùng dự có ngài Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; Lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ủy ban Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điểm qua về những nét nổi bật giữa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; nhấn mạnh, là một trong những cường quốc trong ngành công nghiệp, dịch vụ của thế giới, Nhật Bản đã đạt được những thành tựu to lớn với nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt, 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển. Là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển, hai nền kinh tế Việt - Nhật có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

"Hội thảo hôm nay là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để hai bên phân tích thời cơ, vận hội cũng như những khó khăn, thử thách mới; chia sẻ những bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới; giúp hai nước đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển bền vững ở mỗi nước, và góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản", Thủ tướng nêu rõ.

Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đồng tổ chức và được phát trực tuyến đến hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn nước Nhật Bản.

Với mục tiêu đó, Thủ tướng đã chia sẻ về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng thời, để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Việt Nam đã ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Về chuyển đổi số, đây là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, hợp tác công - tư cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Chính phủ dẫn dắt và doanh nghiệp đồng hành trong nỗ lực chung thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; trong đó lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển.

Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý và các ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra: đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm để tham mưu giúp Chính phủ những giải pháp thiết thực để hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai bên.

Thủ tướng mong muốn và kỳ vọng các doanh nghiệp FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-nen-kinh-te-viet--nhat-co-tinh-bo-sung-cao-con-nhieu-du-dia-va-tiem-nang-hop-tac-post238148.html