Hai nữ sinh Campuchia & ước mơ từ rác thải nhựa

Hai cô gái Campuchia trên con đường khởi nghiệp, với mục đích bảo vệ môi trường đã cho thấy cách mà rác thải nhựa có thể được biến hóa thành những con đường nhờ khoa học công nghệ.

Thủ đô Phnom Penh từng được biết đến với tên gọi “Hòn ngọc châu Á” nhờ kiến trúc Khmer thời hậu thuộc địa đặc sắc, những công viên rộng vô tận và các đại lộ rợp bóng cây xanh. Ngày nay, Phnom Penh đã bị biến thành một đô thị rác với những núi chất thải khổng lồ và các con đường ảm đạm bốc mùi, theo Channel News Asia. Nhưng trong tương lai, Phnom Penh sẽ xuất hiện những con đường mới được làm từ rác nếu Bộ Giao thông và Hạ tầng Công cộng Campuchia áp dụng một giải pháp được hai nữ sinh trẻ tuổi Sokanha Ly và Bunhourng Tan đưa ra. Sáng chế của họ có khả năng biến rác thải nhựa thành những con đường.

Sokanha Ly và Bunhourng Tan được đào tạo từ Harpswell, một tổ chức ở Phnom Penh dạy những phụ nữ Campuchia trẻ kỹ năng lãnh đạo thông qua các cuộc tranh luận và phản biện dân sự bằng tiếng Anh và Pháp. Năm 2016, đôi bạn trẻ cùng sáng lập ra công ty khởi nghiệp mạng tên Eco-Plastic với mục tiêu biến rác thành đường.

Sokanha Ly và Bunhourng Tan, hai nữ sinh với ước mơ biến rác thải nhựa thành đường đi. Ảnh: CNA.

“Chúng tôi muốn Eco-Plastic trở thành một công ty thân thiện với môi trường, giúp giải quyết địa ngục rác thải nhựa ở Campuchia, Đông Nam Á và trên toàn thế giới”, Bunhourng Tan, 21 tuổi, chia sẻ. Cô hiện theo học ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Mỹ của Phnom Penh. “Chúng tôi còn muốn đưa Eco-Plastic thành di sản cho thế hệ sau”.

Lo lắng về vấn đề rác thải ở Campuchia, hai nhà khởi nghiệp trẻ đã dành nhiều năm nghiên cứu cách biến “địa ngục nhựa” thành sản phẩm xanh. Kết quả từ những nỗ lực ấy là sự ra đời của PAC - Bêtông atfan nhựa - Sự kết hợp giữa rác thải nhựa và bitum (chất dùng trong sản xuất nhựa đường). Sự khác biệt giữa PAC và bêtông atfan truyền thống là nó có giá thành rẻ hơn, làm nên những con đường chắc chắn với sức chống chịu tốt hơn.

Vương quốc nhựa

Đôi bạn nảy ra sáng kiến về PAC khi chứng kiến Campuchia bị rác thải nhựa xâm chiếm với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Dữ liệu từ Bộ Môi trường cho thấy Campuchia thải ra 4.000 tấn rác nhựa mỗi ngày. Chỉ riêng thủ đô Phnom Penh thải ra hơn 2.000 tấn rác, trong đó 17% là chất thải nhựa. “Nếu chúng tôi không cắt giảm lượng rác thải hoặc tái chế chúng nhiều hơn, tác hại sẽ rất lớn”, ông Dy Kiden, giám đốc Cơ quan Quản lý Chất thải Rắn thuộc Bộ Môi trường Campuchia, cho hay và thêm rằng việc chi phí xây dựng nhà máy tái chế quá cao khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với ngành này. Mặt khác, thu gom rác để xuất khẩu vẫn là ngành công nghiệp “cạnh tranh” ở Campuchia.

Tốc độ đô thị hóa càng cao đồng nghĩa với việc rác thải nhựa được thải ra ngày càng nhiều. Theo tổ chức phát triển bền vững ACRA, một người thành thị Campuchia mỗi năm dùng hơn 2.000 túi nilon, cao gấp 10 lần Trung Quốc và những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Siem Reap, nơi có đền Angkor Wat, di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Chính quyền Campuchia gần đây cũng đề ra một số biện pháp làm giảm lượng rác thải nhựa, đặt mục tiêu giảm 50% việc sử dụng nhựa vào năm 2019 và giảm 70% trong vòng 7 năm nữa.

‘Đường nhựa’

Sokanha và Bunhour đã giành nhiều giải thưởng cả ở trong và ngoài Campuchia vì sáng kiến làm giảm rác thải nhựa của mình. Hồi tháng 5, họ được vinh danh tại Cuộc thi Mô hình Kinh doanh Quốc tế 2018 ở Utah, Mỹ, sau khi Eco-Plastic lọt vào top 10. Cuộc thi khởi nghiệp này là một sự kiện thường niên có sự tham gia của hàng nghìn sinh viên thuộc hàng trăm ngôi trường từ khắp nơi trên thế giới.

Những người nhặt rác đang tìm kiếm các đồ vật bằng kim loại và nhựa từ một bãi rác ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP.

“Bước tiếp theo chúng tôi muốn thực hiện là nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi đang khám phá những chất liệu mới để đưa vào PAC nhằm khiến sản phẩm độc đáo, hiệu quả và tốt hơn”, Sokanha, 21 tuổi, sinh viên ngành kỹ sư dân dụng tại Đại học Zaman, Campuchia, cho biết.

Trong bối cảnh các quốc gia trên toàn cầu đều nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển xanh, ý tưởng xây đường bằng nhựa tái chế ngày càng gây chú ý. Ấn Độ đã xây dựng hơn 30.000 km đường bằng nhựa vụn. Năm ngoái, công ty VolkerWessels của Đan Mạch cho hay họ có kế hoạch dùng rác thải nhựa trên biển để làm đường cao tốc ở Rotterdam. Ý tưởng trên cũng đang được nghiên cứu tại nhiều khu vực ở Anh.

Tại Campuchia, Sokanha và Bunhour đang cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm song hành với bảo vệ môi trường. Dù Bộ Giao thông và Hạ tầng Công cộng Campuchia đã cung cấp những “hỗ trợ to lớn” để họ phát triển và thử nghiệm mẫu sản phẩm, Sokanha và Bunhour khẳng định vẫn còn không ít thách thức họ phải vượt qua, từ thiếu cơ hội đầu tư đến chuyên môn kỹ thuật và cơ sở vật chất hạn chế cho việc thử nghiệm. Tuy nhiên, họ vẫn nhìn thấy một viễn cảnh tươi sáng khi giới thiệu công nghệ tiên tiến của mình với quê hương, giúp chính phủ xử lý các vấn đề xã hội cũng như truyền cảm hứng, động lực cho phụ nữ Campuchia chủ động tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. “Công nghệ có thể giải quyết hầu như mọi vấn đề xã hội, miễn là chúng ta kiên định, kiên trì và đam mê. Công nghệ có thể biến tưởng tượng thành hiện thực”, Sokanha nói. “Thông điệp chính là ‘Không bao giờ được từ bỏ và làm việc chăm chỉ sẽ nhận đền đáp xứng đáng’”.

VĂN VIỆT

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hai-nu-sinh-campuchia-uoc-mo-tu-rac-thai-nhua-post222547.html