Hai 'ông lớn' an ninh - tình báo của Anh

Cục Mật vụ, tổ chức tiền thân của hệ thống an ninh, tình báo (AN-TB) Anh ra đời tháng 10/1909 với chức năng đấu tranh chống lại các hoạt động gián điệp của Đức.

Năm 1910, Cục Mật vụ tách thành 2 phòng, Trong nước và Ngoài nước. Tháng 1/1916, Phòng Ngoài nước cải tổ thành Cục Tình báo quân sự MI-1s, sau là MI6; còn Phòng Trong nước đổi thành Cục Mo-5, sau là MI5.

Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, Thủ tướng W. Churchill quyết định trao cho các cơ quan này quy chế dân sự: MI6 chuyển sang trực thuộc Bộ Ngoại giao và chính thức mang tên "Cơ quan Tình báo mật" (SIS), còn MI5 trực thuộc Bộ Nội vụ và mang tên "Cơ quan An ninh" (SS).

Cơ quan Tình báo mật - SIS (MI6)

MI6 là cơ quan gián điệp nước ngoài của Anh, có nhiệm vụ thu thập tin tình báo về chính trị, kinh tế, quân sự của các nước ở nước ngoài, chủ yếu bằng con đường bất hợp pháp. Tổng hành dinh đóng tại Charing Cross (London), MI6 có biên chế khoảng 3.000 người với nhân viên điệp báo đa số là người nước ngoài; ngân sách hàng năm khoảng 300 triệu bảng.

Trụ sở MI6 ở London. Ảnh: Wikipedia

Trụ sở MI6 ở London. Ảnh: Wikipedia

Về mặt tổ chức, MI6 gồm 5 cục:

Cục Thu tin, có chức năng thu thập, xử lí tin tình báo về những lĩnh vực nhất định. Cục này có các phòng: Tình báo chính trị (R1); Tình báo không quân (R2); Tình báo hải quân (R3); Tình báo lục quân (R4); Phản gián (R5); Tình báo kinh tế (R6); Tình báo tài chính (R7); Tình báo Vô tuyến điện và phối hợp với Trung tâm Thông tin chính phủ (R8); và Phòng tình báo khoa học-kĩ thuật (R9).

Cục Đảm bảo thông tin, có chức năng tổ chức hoạt động tình báo theo địa bàn như Phòng SNG và Scandinavia (P1); Phòng Pháp, Tây Ban Nha, Bắc Phi (P2); Phòng Đức, Thụy Sĩ, Áo (P3); Phòng Trung và Cận Đông (P4); Phòng Mỹ La-tinh và Viễn Đông (P5)...

Cục Kế hoạch quân sự, có chức năng nghiên cứu các vấn đề chiến lược, dài hạn; Cục Huấn luyện, có chức năng tuyển mộ, đào tạo nhân viên; Cục Hành chính quản trị, có chức năng đảm bảo hậu cần - kĩ thuật cho toàn ngành.

Cơ quan An ninh - SS (MI5)

MI5 là cơ quan phản gián chủ yếu của Anh, tổng hành dinh đóng tại Thames House, quận Millbank. Phối hợp chặt chẽ với Sở Cảnh sát đặc biệt (Scotland Yard), MI5 có chức năng đảm bảo an ninh quốc gia thông qua các hoạt động chống gián điệp trong và ngoài nước Anh, đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, bạo loạn lật đổ, tiến hành điều tra các hành vi vi phạm Luật an ninh, thẩm tra đội ngũ nhân viên cơ yếu, bảo vệ Hoàng gia, và giám sát hoạt động của các lực lượng cánh tả.

Biên chế của MI5 vào khoảng 2.000 người, quá nửa trong số đó là nữ; ngân sách hàng năm khoảng 200 triệu bảng.

Hoạt động của MI5 được đặt dưới sự giám sát của Thanh tra an ninh và Thanh tra dân nguyện. Giúp việc cho Giám đốc MI5 có 2 Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn và hành chính.

Về tổ chức, MI5 có 6 cục chuyên môn và 3 cục đảm bảo:

Cục An ninh trong nước (Cục C), đảm bảo an ninh ngay trong nội bộ MI5 và các cơ quan chính phủ.

Cục Hành động (Cục A), tổ chức các chiến dịch của MI5; tuyển mộ điệp viên; thu thập tin tức; hợp đồng tác chiến với các cơ quan chính phủ. Cục A có một ngân hàng dữ liệu về tội phạm và các tổ chức, nhân vật khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Anh.

Cục Chống khủng bố, có chức năng tổ chức và thực hiện các hành động chống khủng bố quốc tế. Cục Chống các tổ chức khủng bố Ireland và Bắc Ireland.

Cục Chống gián điệp và kiểm soát việc phổ biến công nghệ (Cục K), thực hiện chức năng phản gián trong các cơ quan chính phủ Anh, các tổ chức nhà nước và tổ chức tình báo; phòng chống gián điệp công nghiệp. Sau chiến tranh vùng Vịnh 1991, Cục K được bổ sung nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống rò rỉ các công nghệ bí mật;

Cục F, phòng chống các hoạt động phá hoại, có nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống các tổ chức, phong trào cực đoan. Trong hoạt động, Cục F phối hợp chặt chẽ với Sở Cảnh sát đặc biệt; Cục Cán bộ (Cục S), phụ trách công tác tổ chức, đào tạo; Cục B, phụ trách hậu cần, kĩ thuật; Cục Tài chính, theo dõi việc đảm bảo, phân phối và kiểm soát ngân sách.

Trong một thời gian dài, MI5 và MI6 không chính thức công nhận sự tồn tại của mình; hoạt động được điều chỉnh bằng một Nghị định mật của Chính phủ. Mãi đến năm 1989 mới thông qua Luật an ninh, năm 1994 thông qua Luật tình báo.

Theo các luật này, hoạt động AN-TB được xem là một trong những đảm bảo chính cho an ninh quốc gia; các cơ quan nhà nước Anh ở trung ương và địa phương, trong và ngoài nước có trách nhiệm ủng hộ và hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức AN-TB.

Luật cũng xác định những đảm bảo xã hội cho nhân viên AN-TB, ấn định việc kiểm soát gắt gao các phương tiện thông tin đại chúng trong việc đưa tin về hoạt động của các cơ quan AN-TB.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/hai-ong-lon-an-ninh-tinh-bao-cua-anh-670426.html