Hai 'ông lớn' ngành nhựa cùng lãi lớn

Nhựa Bình Minh (Công ty CP Nhựa Bình Minh) và Nhựa Tiền Phong (Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong) hiện là 2 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành ống nhựa xây dựng - vật liệu cơ bản và cực kỳ quan trọng đối với các nhà thầu xây dựng.

Nhựa Tiền Phong làm chủ khoảng 70% thị phần phía Bắc. Ảnh: Tường Lâm

Cùng ngành, nhưng thị trường của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong tương đối tách biệt, “mỗi bên hùng cứ một phương”. Cụ thể, Nhựa Bình Minh chiếm khoảng 50% thị phần phía Nam trong khi Nhựa Tiền Phong làm chủ khoảng 70% thị phần phía Bắc.

Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong cũng là 2 trong số các doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn và đang có kế hoạch thoái vốn.

9 tháng đầu năm 2016, cả 2 “ông lớn” này đều báo lãi tăng trưởng so với kết quả cùng kỳ 2015. Trong 1 năm gần đây, cổ phiếu NTP (Nhựa Tiền Phong) và BMP (Nhựa Tiền Phong) đều tăng trưởng ấn tượng trên 65%. Riêng BMP hiện đang là cổ phiếu đắt giá nhất hiện nay trên thị trường với mức giá 200.800 đồng/CP (đóng cửa phiên giao dịch 28/10/2016).

Với Nhựa Tiền Phong, trong 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 2.918 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20,2% so với cùng kỳ 2015. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Công ty đạt 269,3 tỷ đồng, tăng 8,7% so với 9 tháng đầu năm 2015. Chi phí bán hàng tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tăng lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong thấp hơn tỷ lệ tăng doanh thu. Trong 9 tháng, công ty này đã chi 552 tỷ đồng cho hoạt động bán hàng, trong khi cùng kỳ 2015 mức chi là 439 tỷ đồng.

Đây là kết quả kinh doanh của riêng công ty mẹ Nhựa Tiền Phong. Kết quả hợp nhất chính thức của Công ty có thể cao hơn một chút so với những con số vừa nêu.

Mặc dù doanh thu thuần thua kém, đạt 2.478 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, Nhựa Bình Minh lại có kết quả kinh doanh vượt trội so với đồng nghiệp phía Bắc. Mấu chốt ở chỗ chi phí bán hàng của Nhựa Bình Minh thấp hơn hẳn so với Nhựa Tiền Phong, chỉ ở mức 101 tỷ đồng trong 9 tháng, bằng 1/5 của Nhựa Tiền Phong. Không bị “lạm” bởi chi phí bán hàng, Nhựa Bình Minh lãi tới 539,6 tỷ đồng sau thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng 38,7% so với cùng kỳ 2015. Công ty đã chính thức vượt 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016 chỉ sau ba phần tư chặng đường.

Có thể thấy rằng, chính sách bán hàng khác nhau dẫn đến chi phí bán hàng khác biệt giữa 2 doanh nghiệp ngành nhựa này. Được biết, Nhựa Tiền Phong có chính sách hỗ trợ đại lý và kênh phân phối thông qua việc gia tăng chiết khấu nhằm giữ vững thị phần. Nói cách khác, Nhựa Tiền Phong đã tạm thời hi sinh lợi nhuận để chiếm giữ thị phần. Kết quả dễ nhận thấy là công ty này có thị phần tốt hơn so với Nhựa Bình Minh.

Đổi lại, Nhựa Bình Minh vẫn đều đặn đạt lợi nhuận ấn tượng, tác động trực tiếp lên giá cổ phiếu của Công ty.

Mặc dù nằm trong kế hoạch thoái vốn của SCIC, đến nay vẫn chưa có động thái gì rõ rệt về kế hoạch này đối với Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong.

Đan Nguyên

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/tai-chinh/hai-ong-lon-nganh-nhua-cung-lai-lon-28652.html