Hai pho tượng hậu Phật ở chùa làng Thanh Hà

Hai pho tượng hậu Phật bằng đá ở chùa làng Thanh Hà là cổ vật quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc tạo hình tượng thờ tự bằng đá dưới thời Lê Trung Hưng vào thế kỷ XVII.

FacebookEmail

Hai pho tượng hậu Phật bằng đá ở chùa làng Thanh Hà là cổ vật quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc tạo hình tượng thờ tự bằng đá dưới thời Lê Trung Hưng vào thế kỷ XVII.

Tác giả: Nguyễn Văn An – Bảo tàng Bắc Ninh

Làng Thanh Hà xưa thuộc tổng An Trụ, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương 1 (nay thuộc địa phận xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Hiện nay tại tòa Tam bảo chùa làng Thanh Hà còn bảo lưu được hai pho tượng hậu Phật tạo tác bằng đá xanh nguyên khối có niên đại vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).

Chùa làng Thanh Hà còn có tên chữ là Hưng Long tự nằm trên khu đất cao phía Tây làng, xung quanh là không gian rộng thoáng, mặt chính quay hướng Nam. Bình đồ kiến trúc chùa hiện nay theo kiểu mặt bằng hình chữ Đinh “丁” gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện, các bộ vì theo kiểu “chồng giường trụ giá chiêng”, bào trơn đóng bén. Chùa làng Thanh Hà là công trình tín ngưỡng bảo tồn khá nguyên sơ nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, bên cạnh đó chùa còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật tạo tác dưới thời Lê – Nguyễn, tiêu biểu như: 12 pho tượng gỗ sơn son thếp vàng, cây hương đá, bia đá, chuông đồng, đại tự, câu đối… Đặc biệt, tại tòa Tam bảo chùa làng Thanh Hà còn lưu giữ được 02 pho tượng Hậu phật bằng đá xanh nguyên khối, cụ thể như sau:

Hai pho tượng hậu phật niên đại thế kỷ XVII tại chùa làng Thanh Hà

* Tượng cụ ông kích thước cao 130cm (cả bệ), rộng ngang vai 47cm, ngang gối 55cm tạc trong tư thế ngồi xếp bằng, lòng bàn chân phải hướng lên trên, 2 tay đặt ngang gối, tay phải úp, tay trái ngửa, ngón cái quặp lại 4 ngón còn lại duỗi thẳng. Khuôn mặt thanh tú, đầu đội mũ, mình mặc quan phục, cổ áo có 2 lớp bên ngoài hình tròn xung quanh chạm nổi cánh sen đứng, hoa cúc nở mãn khai, bên trong hình chữ “V”, phần bụng nở to trang trí chạm nổi đề tài “long mã”.

* Tượng cụ bà kích thước nhỏ hơn cao 105cm (cả bệ), rộng ngang vai 42cm, rộng ngang gối 48cm tạc trong tư thế ngồi xếp bằng, 2 tay ngửa các ngón tay đan vào nhau đặt trước bụng, đầu vấn khăn hình vuông buông thõng ngang vai, mình mặc áo thụng gồm 2 lớp che kín cổ, gồm nhiều nếp gấp.

Căn cứ vào chất liệu, kiểu cách, phong thái tượng, trang phục và họa tiết hoa văn trang trí trên áo, mũ… chúng tôi nhận định 02 pho tượng này có niên đại tạo tác dưới thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVII). Đây khả năng là hai vợ chồng một vị võ quan có địa vị trong xã hội xưa đã phát tâm công đức tu sửa mở rộng quy mô chùa hoặc có công lao đặc biệt quan trọng đối với địa phương cho nên được dân làng tạc tượng thờ làm hậu Phật hương khói phụng thờ đời đời tại chùa. Rất tiếc cả 2 pho tượng được dựng sát với tường hồi nhà Tam bảo cho nên không rõ sau lưng tượng có ghi tên hiệu, ngày kỵ húy của hai vị hay không?

Vì vậy, hiện tại chúng tôi chưa biết tên húy, hiệu chính xác của hai ông bà! Tuy nhiên, theo truyền khẩu ở địa phương, dân làng thường gọi tên hai pho tượng là “Ông tính tiền, Bà bĩu mỏ”!

Tóm lại, hai pho tượng hậu Phật bằng đá ở chùa làng Thanh Hà là cổ vật quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc tạo hình tượng thờ tự bằng đá dưới thời Lê Trung Hưng vào thế kỷ XVII. Ngoài ra, thông qua kỹ thuật tạo hình hai nhân vật được thờ làm hậu Phật này còn là tư liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về trang phục của các tầng lớp quan lại, quý tộc thượng lưu ở nước ta thời phong kiến.

[1] Năm Thành Thái thứ 5 (1893) huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương bị giải thể 3 tổng của huyện này là An Trụ, Hoàng Kênh, Lại Thượng sáp nhập vào huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Tác giả: Nguyễn Văn An – Bảo tàng Bắc Ninh

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hai-pho-tuong-hau-phat-o-chua-lang-thanh-ha.html