Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu rác thải nhựa

Ngày 25/7, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Doanh nghiệp du lịch Hải Phòng giảm thiểu rác thải nhựa đại dương'.

Theo báo cáo, trên thế giới mỗi năm có 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, tám triệu tấn thải ra đại dương.

Chỉ trong một ngày làm sạch bờ biển các đội tình nguyện quốc tế đã thu gom được 4.600 tấn thải, trong đó 60% lượng chất thải là rác nhựa (túi bọc, hộp đựng thực phẩm, chai, lọ, túi nilon, nhựa dùng một lần), 80% chất thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền.
Tại Việt Nam, nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của muôn loài, trong đó du lịch là một trong những hoạt động gây phát thải rác thải nhựa rất lớn.
Bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Câu lạc bộ Phát triển xanh (Green Hub), cho biết: Quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến tự nhiên của một lượng lớn rác thải các loại từ đất liền do nước từ các cửa sông cuốn ra, từ các hoạt động du lịch, dịch vụ, sản xuất, sinh hoạt của con người trên các đảo, đặc biệt là hoạt động nuôi trồng và từ các tàu bè hoạt động trên vịnh thuộc đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long trôi sang.

Bên cạnh đó, tại các nhà hàng ở Cát Bà trung bình trong mỗi bữa ăn một người thải ra 0,2 kg rác. 80% rác do khu vực nhà bếp thải ra.
Để giảm thiểu rác thải nhựa, ngoài việc hạn chế phát thải loại rác này thì các cơ quan, đơn vị, các nhà nghiên cứu khoa học cũng cần tích cực trong việc tìm các giải pháp để xử lý rác thải nhựa tồn đọng cũng như rác thải nhựa sẽ tiếp tục phát sinh.
Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, chia sẻ: Địa phương đang xây dựng kế hoạch hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, ni lông, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần giai đoạn 2019-2020, phấn đấu đến hết năm 2020 giảm ít nhất 50% lượng rác thải nhựa trên địa bàn huyện.

100% các đơn vị tổ chức nhà nước thực hành hạn chế, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ít nhất 70% cơ sở kinh doanh và dịch vụ cam kết và duy trì thường xuyên hoạt động hạn chế, giảm rác thải nhựa dùng một lần và sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường.
Trong thời gian tới UBND huyện Cát Hải yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, đội tàu du lịch trên địa bàn huyện cắt giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường, thực hiện ký bản cam kết hành động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.
Bà Nguyễn Thị Bích Hiền, đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), đề xuất một số bước để doanh nghiệp du lịch giảm thiểu rác thải nhựa như: đánh giá tình hình quản lý rác thải nhựa tại doanh nghiệp, cử đầu mối phụ trách quản lý rác thải, đề ra các mục tiêu giảm thiểu rác thải (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn), sử dụng các sản phẩm ít lớp bọc nilon, dùng chất tẩy rửa có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Nguyễn Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Khách sạn Sea Pearl ở thị trấn Cát Bà, cho biết: Trong hai năm qua doanh nghiệp đã đưa một số sản phẩm thay thế đồ dùng nhựa dùng một lần bằng các đồ vật chế tạo từ thiên nhiên như ống hút, cốc làm từ tre, nứa.

Cùng với đó, khách sạn chủ động yêu cầu các đơn vị cung ứng hạn chế sử dụng túi nilon như dùng giấy vệ sinh chỉ có một lớp bọc ni lông chung ở ngoài thay cho các túi giấy có hai lớp nilon, thay thế các chai nước uống đóng sẵn bằng các bình nước lớn.

Yêu cầu nhân viên khách sạn phân loại rác thải trong quá trình thu gom. Tuy nhiên, do bước đầu triển khai nên doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn như nhiều sản phẩm mà thị trường chưa cung ứng được, một số khách hàng vẫn thích sự tiện lợi của đồ nhựa nên việc loại bỏ các chai nước miễn phí trong phòng, thay các chai nước lọc phát cho đại biểu ở các cuộc họp bằng cốc thủy tinh cũng gặp khó khăn..../.

Minh Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hai-phong-chia-se-kinh-nghiem-giam-thieu-rac-thai-nhua/129234.html