Hải Phòng: Chính thức triển khai điều trị thuốc ARV thông qua BHYT

Ngày 8/3, Sở Y tế thành phố Hải Phòng phối hợp cùng Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tổ chức sự kiện 'Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế'.

Trao thuốc ARV cho Bệnh viện Kiến An

Trao thuốc ARV cho Bệnh viện Kiến An

Sáng ngày 9/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng cho biết, hiện tại bệnh viện đang điều trị thuốc ARV cho khoảng gần 1400 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS. Theo đó, thời gian tới sẽ có 80% bệnh nhân nhận thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế.

Theo các chuyên gia, HIV/AIDS là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời, chi phí lớn. Điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Trước đây, việc điều trị bằng thuốc ARV được cung cấp miễn phí thông qua nguồn tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam ngày một tăng trưởng và phát triển, các cơ quan viện trợ quốc tế chuyển phân bổ nguồn lực hỗ trợ sang các nước có nguồn lực hạn chế và tình hình dịch HIV nghiêm trọng hơn. Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam củng cố và mở rộng triển khai bảo hiểm y tế như một chiến lược quan trọng nhất để duy trì bền vững chương trình điều trị bằng thuốc ARV.

Tham gia chương trình điều trị bằng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế, bệnh nhân được chi trả tiền thuốc ARV, các xét nghiệm phục vụ điều trị và các dịch vụ đặc thù theo phạm vi, mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Trong đó, chi phí thuốc ARV phác đồ bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người, phác đồ bậc 2 đắt gấp 7-8 lần, các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ và các dịch vụ đặc thù cũng khá cao. Người nhiễm HIV có xác suất mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao hơn người không nhiễm. Vì vậy, bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV giảm gánh nặng tài chính cho chăm sóc sức khỏe, giúp họ đảm bảo việc điều trị liên tục và lâu dài.

Đến nay, việc tham gia và sử dụng bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV đã đơn giản, thuận lợi hơn. Người nhiễm HIV không nhất thiết phải tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, đã có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giấy tờ tùy thân, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến, chuyển tiếp…

Trên thế giới hiện nay rất ít quốc gia có thể làm được việc sử dụng bảo hiểm y tế để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.

Có được điều này là nhờ có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với công tác chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng. Cụ thể, số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 40% năm 2014 lên 89% cuối năm 2018, tăng hơn gấp đôi trong khoảng 4-5 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus với mức trên 93%. Đây là một kết quả ấn tượng bởi nếu người nhiễm HIV đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì không có khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục.

Trong thời gian tới, Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các đối tác thuộc PEPFAR hỗ trợ địa phương tăng độ bao phủ và sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Hy vọng với những nỗ lực đang thực hiện, Việt Nam sẽ là quốc gia điển hình về cung cấp dịch vụ bền vững bằng nguồn lực trong nước, đồng thời đạt được mục tiêu kiểm soát dịch HIV.

Nguyên Trung

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/hai-phong-chinh-thuc-trien-khai-dieu-tri-thuoc-arv-thong-qua-bhyt-post292771.info