Hải Phòng: Dân chưa đóng tiền đường, xã không giải quyết các thủ tục hành chính

Rất nhiều người dân thôn Hà Đỗ 1, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng bức xúc trước việc UBND xã không xác nhận giấy tờ thủ tục hành chính cho họ với lí do họ chưa đóng tiền làm đường nông thôn mới.

Anh Vũ Văn Thanh - trú thôn Hà Đỗ 1 - cho biết, sáng ngày 5/3/2018, anh lên xã xin xác nhận hồ sơ xin việc nhưng chị Tăng Thị Quỳnh (cán bộ tư pháp của xã) bảo nhà anh chưa đóng tiền đường nông thôn mới, anh phải về gặp trưởng thôn đóng tiền, có hóa đơn thanh toán thì xã mới xác nhận hồ sơ cho anh.

Đến 14h chiều cùng ngày, anh Thanh tiếp tục lên xã nài nỉ nhưng chị Quỳnh vẫn kiên quyết không giải quyết. Anh về chạy đôn chạy đáo khắp nơi, thậm chí phải vay lãi cắt cổ mới có được 2.428.000 đồng để nộp cho trưởng thôn và cầm hóa đơn lên xã. Lúc đó, UBND xã mới xác nhận vào hồ sơ cho anh.

Người dân bức xúc kể cho PV nghe về chuyện không được cấp giấy khai sinh

Anh Vũ Văn Kiên, người cùng thôn với anh Thanh, lên xã làm thủ tục đăng ký kết hôn nhưng cũng không được giải quyết với lý do chưa đóng tiền đường. Anh về vay tiền nộp cho trưởng thôn, cầm hóa đơn lên thì lúc đó, xã mới cho anh đăng ký kết hôn.

Tương tự như trường hợp của anh Thanh là anh Vũ Văn Toản. Anh Toản lên xã Hồng Phong xin xác nhận hồ sơ xin việc nhưng xã không giải quyết. Anh Toản phải đi lại rất nhiều lần trong 3 ngày mà vẫn không được chính quyền địa phương xác nhận. Lo sợ không xin được việc làm, anh Toản về vay mượn thanh toán tiền đường cho trưởng thôn, lúc đó xã mới xác nhận hồ sơ cho anh.

Sự việc không dừng ở đó, ngày 18/4/2018 anh Lê Văn Tuyền ở thôn Hà Đỗ đến xã xin giấy khai sinh cho con. Cán bộ xã cũng không cho anh làm thủ tục vì còn nợ tiền đường. Mẹ anh Tuyền phải xuống nhà trưởng thôn khất nợ, ngày hôm sau anh mới xin được giấy khai sinh cho con mình.

Lý do khiến những hộ dân này chưa đóng tiền đường vì họ cho rằng mức thu của thôn quá cao, 607.000 đồng/ khẩu. Với mức thu này, nhà anh Thanh 9 khẩu phải đóng ngót nghét 6 triệu đồng trong khi thu nhập cả gia đình chỉ trông vào 5 sào ruộng. Năm nay lại mất mùa nên gia đình anh Thanh kinh tế rất khó khăn, không thể nộp tiền đường cho thôn được.

Gia đình anh đã kiến nghị lên xã để giảm mức thu nhưng xã chỉ giảm cho 100.000 đồng/khẩu. Khi làm đường thôn Hà Đỗ 1, gia đình anh Thanh đã phải đóng góp mỗi khẩu là 1.100.000 đồng. Giờ làm đường liên thôn Hà Đỗ 1 và Hà Đỗ 2, gia đình anh phải đóng góp gần 6 triệu đồng nữa là quá sức.

Trụ sở UBND xã Hồng Phong

Trao đổi về vấn đề người dân phản ánh, ông Nguyễn Văn Sáng – Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: "Việc phản ánh của người dân là đúng. Người dân lên xin giấy tờ thủ tục hành chính, chúng tôi vận động người dân về đóng tiền đường cho thôn rồi lên đây xã sẽ giải quyết, cho dấu".

Ông Sáng trần tình: "Con đường liên thôn có chiều dài 2km, rộng 4-7m, với kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng (chưa tính xi măng được thành phố hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới). Ngân sách xã chi 1,5 tỷ, còn lại người dân trong thôn đóng góp 1,5 tỷ.

Cả thôn Hạ Đỗ có 900 hộ, tương đương gần 3.000 nhân khẩu. UBND xã chỉ miễn giảm cho những hộ nghèo, người già trên 70 tuổi và những người tàn tật, còn lại các hộ phải đóng góp là 607.000 đồng/1 nhân khẩu. Tại hội nghị nhân dân thôn Hà Đỗ họp về việc triển khai làm đường nông thôn mới, đa số người dân trong thôn đồng ý. Đến nay chỉ còn vài hộ phản đối không đóng góp tiền đường".

Ông Sáng khẳng định địa phương sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì để xảy ra sự việc trên. Hiện tại xã Hồng Phong đã đạt 16/19 tiêu chí về nông thôn mới, theo kế hoạch sang năm xã sẽ về đích nông thôn mới.

Tuệ Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hai-phong-dan-chua-dong-tien-duong-xa-khong-giai-quyet-cac-thu-tuc-hanh-chinh-20180420155026952.htm