Hải Phòng: Di dời, giải tỏa các hộ nuôi ngao trái phép tại huyện Kiến Thụy

Giai đoạn 1, UBND huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng sẽ di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản không phép với tổng diện tích là 1.515 ha với 41 bãi nuôi của 38 hộ gia đình, cá nhân, 47 chòi canh...

Trên khu vực biển huyện Kiến Thụy có tổng số 89 hộ dân nuôi ngao với diện tích hơn 2.557 ha. Trong đó có 69 hộ dân có hộ khẩu tại huyện Kiến Thụy, 20 hộ còn lại là người địa phương, tỉnh khác.

Thông tin từ lãnh đạo huyện Kiến Thụy cho biết: Các hộ dân nuôi ngao trên khu vực ven biển thuộc huyện Kiến Thụy là tự phát. Ban đầu các hộ nuôi ngao với diện tích, quy mô nhỏ. Theo số liệu thống kê, tại thời điểm năm 2011, xã Đại Hợp có 32 hộ nuôi ngao với tổng diện tích khoảng 147 ha/30 chòi trông coi.

Huyện Kiến Thụy đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cắm phao tiêu.

Sau đó, các hộ dân đã tự ý mở rộng diện tích nuôi, lấn ra phía ngoài biển không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được UBND thành phố giao, cho thuê để thực hiện khai thác khoáng sản (cát) phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Cũng theo kết quả rà soát, các địa phương đều có văn bản yêu cầu các hộ dân dừng việc nuôi ngao từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, các hộ dân không chấp hành mà tiếp tục quây bãi, mở rộng diện tích nuôi.

Hiện, huyện Kiến Thụy có 08 dự án khai thác cát được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép. Trong đó có 6 mỏ khai thác cát có diện tích chồng lấn với hoạt động nuôi ngao (gần 307 ha mỏ cát nằm trong diện tích 2.557 ha nuôi ngao tự phát của người dân). Việc chồng lấn diện tích như trên dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân và đơn vị khai thác cát diễn ra trong thời gian dài, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự khu vực...

Huyện Kiến Thụy chủ động cung cấp thông tin về tình hình xử lý vi phạm hành chính; công tác chuẩn bị cắm phao tiêu cho các cơ quan báo chí thông qua cuộc họp giao ban báo chí định kỳ.

Trong khi đó, thành phố Hải Phòng đã chấp thuận đầu tư xây dựng hàng loạt khu công nghiệp, cảng biển, đê biển, các công trình hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn... nên cần một lượng lớn nguồn vật liệu để san lấp. Một số doanh nghiệp đã đủ điều kiện khai thác cát nhưng không thể thực hiện khai thác do các hộ nuôi ngao cản trở, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án và hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố (nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài)...

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật, UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu UBND huyện Kiến Thụy cắm phao tiêu bao quanh khu vực biển, thiết lập hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao tự phát. Trường hợp các hộ dân không chấp hành quyết định xử phạt hành chính, sẽ thiết lập hồ sơ cưỡng chế buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy thông tin với phóng viên báo chí: UBND huyện Kiến Thụy đã hoàn thiện 33/38 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi trồng thủy sản vi phạm các quy định của pháp luật và yêu cầu các hộ dân tự nguyện di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm. Để chuẩn bị cho việc cắm phao tiêu, UBND huyện đã làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị chuẩn bị đầy đủ phao tiêu, phương tiện và lực lượng sẵn sàng tổ chức cắm phao tiêu, dựng chòi canh trên thực địa...

Thanh Vân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/hai-phong-di-doi-giai-toa-cac-ho-nuoi-ngao-trai-phep-tai-huyen-kien-thuy-1088053.html