Hải Phòng: Giáo viên áp lực vì lần đầu được tự chọn sách để dạy học sinh

Với việc lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy từ năm học này (2020-2021), hầu hết giáo viên đều thừa nhận bị áp lực vì trách nhiệm mang theo.

Cùng với cả nước, Hải Phòng tiếp nhận 5 bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đưa về cho các trường nghiên cứu, lựa chọn.

Trong số 5 bộ SGK được phê duyệt có 4 bộ thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) và 1 bộ do Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm TP.HCM tổ chức biên soạn (Cánh diều).

Hầu hết các trường Tiểu học ở Hải Phòng lựa chọn bộ Cánh diều và Kết nối Tri thức

Hầu hết các trường Tiểu học ở Hải Phòng lựa chọn bộ Cánh diều và Kết nối Tri thức

Đây là năm đầu tiên mà các trường được trao quyền chọn sách để giảng dạy. Theo hướng dẫn, việc lựa chọn SGK phải do Hội đồng lựa chọn sách thực hiện, trong đó gồm (người đứng đầu cơ sở giáo dục, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường).

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Lần đầu được trao quyền , hội đồng lựa chọn SGK của trường vừa hào hứng vừa lo lắng

Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông ban hành quyết định danh mục sách giáo khoa được lựa chọn sử dụng trong cơ sở.

Cơ sở giáo dục phổ thông có trách nhiệm báo cáo Sở hoặc Phòng GD&ĐT kết quả lựa chọn sách giáo khoa tùy theo từng cấp quản lý. Cùng đó, chịu trách nhiệm trước học sinh, cha mẹ học sinh và các cơ quan quản lý giáo dục về quyết định lựa chọn sách giáo khoa.

Theo khảo sát của nhóm phóng viên, tại Hải Phòng, trong số 5 bộ SGK được phê duyệt và đưa về để các trường nghiên cứu, lựa chọn có 2 bộ SGK được đông đảo các trường chọn là bộ Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Giáo viên dạy khối 1 Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền truy cập hệ thống nghiên cứu tài liệu

Theo đánh giá chung của những trường lựa chọn bộ Cánh Diều trong giảng dạy lớp 1 từ năm học 2020-2021, nội dung của bộ SGK này dễ hiểu, phù hợp với khả năng nắm bắt của học sinh lớp 1, hơn nữa nội dung khá gần gũi với SGK hiện hành, thuận cho cả cô và trò khi tiếp cận.

Tiểu học Nguyễn Tri Phương lựa chọn một số môn Cánh diều, một số môn ở bộ Kết nối tri thức

Cô giáo Đ.H.T (quận Ngô Quyền) chia sẻ: "Tiếp cận, nghiên cứu bộ Cánh diều, tôi đánh giá bộ sách này giải quyết được việc giảm tải lượng kiến thức học cho học sinh lớp 1, chỉ rõ cách học giúp học sinh dễ nắm bắt hơn. Ngoài ra, bộ Cánh diều có sự sắp xếp chủ đề bám sát thực tế từ gia đình tới nhà trường, qua mỗi bài học giúp hình thành nhân cách cho mỗi học sinh tốt hơn. Đặc biệt, khi đếm học sinh sẽ không bị lẫn lộn do cấu trúc bài rõ ràng, cụ thể".

Trong sách tiếng Việt của bộ Cánh diều học sinh làm quen luôn với số

Cùng đề xuất góp ý chọn bộ sách Cánh diều, cô V.T.H (quận Hải An) cho hay: "Bộ Sách Cánh diều có thiết kế hình ảnh gần gũi phù hợp với tâm lý của học sinh từ mầm non lên tiểu học, lượng kiến thức phù hợp, kênh hình ảnh, kênh chữ rõ ràng dễ hiểu giúp học sinh ngay từ lớp 1 có thể viết hoàn chỉnh được câu. Trong sách Tiếng Việt còn dạy luôn cả viết số, khác với những bộ SGK trước đây. Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, tiêu chí hướng tới là khơi dậy sự sáng tạo, góc nhìn của mỗi học sinh; cho phép giáo viên "vượt rào" khỏi những kiến thức, thông tin cũ…"

Bộ sách Cánh diều được giáo viên đánh giá cao vì sự gần gũi, dễ tiếp cận

Cô Vũ Thị Hồng Th, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) chia sẻ: "Qua 2 ngày tập huấn trực tiếp, chúng tôi cảm thấy rõ hơn ưu điểm của bộ sách Cánh Diều mà chúng tôi đã chọn và may mắn chúng tôi gặp gỡ những người chủ biên bộ sách này. Họ giúp chúng tôi hiểu cấu trúc và sử dụng sách hiệu quá và sách điện tử để phát huy năng lực học sinh, đáp ứng chương trình giáo dục mới. Khi hiểu cấu trúc, mục tiêu của môn học, chúng tôi cảm thấy hứng khởi và sẵn sàng bắt tay vào giảng dạy".

Trưởng Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh lựa chọn bộ Kết nối tri thức để giảng dạy

Lựa chọn bộ sách giáo khoa Kết nối và tri thức vào giảng dạy từ năm học 2020-2021 cho học sinh lớp 1, trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân) và Dương Quan (huyện Thủy Nguyên) cho rằng, bộ sách này khắc phục được những bất cập của sách cũ, tất cả những kiến thức mà học sinh được học đều áp dụng vào cuộc sống.

Hệ thống 5 bộ sách nói chung rất tốt, nhưng riêng bộ sách Kết nối này, học sinh được tiếp cận một cách nhẹ nhàng, từ từ, có cái khó, có cái dễ và phân loại được tất cả các đối tượng học sinh.

Hình thức của bộ sách này rất đẹp và rất phù hợp với thị hiếu của trẻ con bây giờ. Ngoài ra, hệ thống tài liệu phong phú và đa dạng, đáp ứng được tình hình thực tế của học sinh.

Trường Liên cấp theo mô hình quốc tế EDISON chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Chia sẻ về việc lựa chọn bộ SGK Kết nối và tri thức, cô Lê Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch Hội đồng trường liên cấp EDISON (phường Đồng Hòa, quận Kiến An) cho biết: "Chúng tôi rất hào hứng với sự đổi mới trong giáo dục phổ thông năm nay khi quyền chọn sách trao cho nhà trường. Đặc thù trường Liên cấp EDISON giáo dục theo mô hình quốc tế, hài hòa giữa giáo dục thể chất với đào tạo kiến thức nên chọn bộ sách này khá phù hợp. Khi tiếp cận bộ sách này, giáo viên của EDISON rất hứng khởi vì chương trình chủ yếu quản lý khung trình độ của học sinh, khơi dậy sự sáng tạo, kết nối thực tiễn của học sinh".

Bên cạnh tâm lý hứng khởi khi được giảng dạy với chính bộ sách mà mình góp phần lựa chọn, nhiều giáo viên thừa nhận họ cũng bị áp lực về trách nhiệm với những đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của mình. Họ trăn trở không biết chất lượng tiếp cận và kết quả học tập của học sinh sẽ ra sao với bộ sách mới này.

Minh Lý – Đinh Huyền

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/hai-phong-giao-vien-ap-luc-vi-lan-dau-duoc-tu-chon-sach-de-day-hoc-sinh-20200701175328153.htm