Hải Phòng, Hải Dương đẩy mạnh biện pháp an toàn sinh học, không để dịch tả lợn Châu Phi lan rộng

Theo thống kê mới nhất từ Cục Thú Y, trên phạm vi cả nước, từ ngày 1/2 đến 14/3, bệnh Dịch tả lợn châu phi đã phát sinh tại 223 xã, thuộc 54 huyện trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên tới 24.000 con.

Tại Hải Phòng, theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, hiện tổng đàn lợn là 412.058 con. Dịch bệnh phát sinh từ ngày 22/02 tại thôn 12, xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên đến ngày 14/3 đã lan rộng ra 409 hộ, ở 104 thôn, thuộc 37 xã, phường, trên địa bàn 6 quận, huyện. Đến hết ngày 14/3, số lợn bắt buộc phải tiêu hủy chiếm 6.050 con, trọng lượng 331.671 kg. Riêng trong ngày 14/3, dịch phát sinh thêm tại 37 hộ, ở 22 thôn, thuộc 9 xã trên địa bàn 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy là 583 con, trọng lượng trên 41.390 kg.

Một điểm tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh - Lê Tân

Một điểm tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh - Lê Tân

Theo thống kê, nhân định của cơ quan chức năng, dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh kém. Cụ thể, qua điều tra dịch tễ, 40% số hộ phát sinh dịch bệnh tại các địa phương có sử dụng thức ăn thừa của các nhà hàng, bếp ăn tập thể để chăn nuôi lợn. Ngoài ra, tình trạng vận chuyển lợn từ vùng dịch vào Hải Phòng giết mổ, tiêu thụ và nguồn nước, phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi đến các hộ chăn nuôi cũng là những nguồn tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, các địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Hải Phòng đã cấp 31.000 lít hóa chất triển khai tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc, phòng chống dịch. UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định cấp hơn 4 tỉ đồng để triển khai các công tác chống dịch như tập huấn, mua hóa chất, giám sát dịch. Ngoài ra, Hải Phòng dự tính sẽ ứng thêm 56 tỉ đồng để tiến hành hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy. Hiện nay, với 6.050 con lợn đã tiêu hủy thì cần khoảng 15 tỉ đồng để hỗ trợ cho người dân.

Còn tại Hải Dương, Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hiện tỉnh có khoảng 570.000 con heo. Dịch bệnh phát sinh từ ngày 01/3 tại gia đình ông Hoàng Văn Chinh, xóm Trại Mới, xã Hiến Thành (Kinh Môn). Gia đình ông Chinh đã buộc phải tiêu hủy 126 con lợn với trọng lượng gần 6,4 tấn. Đây là ổ bệnh dịch đầu tiên của tỉnh. Ngày 04/3, vùng dịch được xác định ở thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ. Toàn bộ đàn lợn phát hiện bị dịch được tiêu hủy theo quy định. Đến ngày 6/3, dịch tiếp tục xuất hiện tại hộ ông Vũ Văn Hùng, thôn Tư Đa, xã Minh Hòa. Chỉ vài ngày sau, dịch lại xuất hiện tại xã Hiệp Sơn và thị trấn Kinh Môn. Xuất hiện dịch muộn hơn nhưng lại có số ổ dịch nhiều nhất tỉnh là huyện Ninh Giang, đến ngày 12/3, đã có 13 hộ ở 4 xã Tân Hương, Ninh Thành, Nghĩa An và Văn Hội có lợn bị mắc dịch với tổng cộng 253 con lợn bị tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 11,5 tấn. Hiện một số địa phương như Đông Xuyên, Tân Phong cũng đã có lợn chết.

Chôn lấp, khử trùng lợn dịch tả Châu Phi ở xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương

Theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thì, từ khi phát hiện dịch đến nay đã lan ra 18 xã, 6 huyện với khoảng 900 con heo bệnh và đã tiêu hủy khoảng 50.000 kg. Đến nay sau 13-14 ngày điểm dịch đầu tiên chưa phát sinh mới. Trong khi chờ hỗ trợ từ bộ thì ngày 14/3 tỉnh đã quyết định chi thêm khoảng 10 tỉ từ ngân sách để mua thuốc cấp cho các địa phương phòng chống dịch. Để khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng, hiện các huyện đều tập trung tuyên truyền về nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh và mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Trong trường hợp phát hiện đàn lợn có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho các cơ quan chức năng.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-hai-duong-day-manh-bien-phap-an-toan-sinh-hoc-khong-de-dich-ta-lon-chau-phi-lan-rong-d96952.html