Hải Phòng: Hội Minh Thề đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 1/3, tức 14 tháng Giêng, tại đền - chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2017 công nhận 'Hội Minh Thề', Đền - Chùa Hòa Liễu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, hôm 28/2, người dân xã Thuận Thiên đã tổ chức đón bằng di tích từ UBND xã Thuận Thiên về cụm di tích đền thờ Hòa Liễu để chuẩn bị cho lễ hội này.

Ngay sau lễ khai mạc, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho đại diện chính quyền huyện Kiến Thụy.

Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL trao giấy chứng nhận công nhận lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho đại diện chính quyền huyện Kiến Thụy

Xã Thuận Thiên là địa phương có sắc thái văn hóa riêng và rất phong phú trong vùng, được biểu hiện qua các tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động lễ hội đình chùa... Những tập tục truyền thống tốt đẹp từ lâu đời luôn được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy, trong đó tiêu biểu là Lễ hội Minh Thề hay còn gọi là “Hội thề không tham nhũng”. Đây là lễ hội làng độc đáo 'bậc nhất vô nhị' trong cả nước, có từ thế kỷ XV.

Lễ hội Minh Thề, tương tuyền từ giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đến ấp Lan Niểu (thôn Hòa Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ. Thái hoàng Thái hậu đã cùng dân làng lập ra Hịch văn hội Minh thề quy định lấy chí công làm trọng – người nông dân không phân biệt giàu nghèo với khí phách kẻ sĩ, giữ tiết tháo, không vì cơ hàn mà xâm phạm của công.

Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, năm 2002, Lễ hội Minh Thề được chính quyền và người dân địa phương khôi phục lại, giữ nguyên được giá trị văn hóa. Nhiều năm trở lại đây, hội làng mỗi năm lại thu hút thêm đông đảo người dân, du khách thập phương và cũng được chính quyền địa phương dành sự quan tâm đặc biệt hơn.

Nghi lễ cho việc tuyên thề.

Một cao niên làng Hòa Liễu, ban tổ chức lễ hội phấn khởi cho biết, sau 15 năm tổ chức lễ hội, thì lễ hội năm thứ 16 này đặc biệt với làng bởi lễ hội đã được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, trên địa bàn thành phố còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc. Lễ hội Mình Thề và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể là niềm vinh dự, tự hào và ghi nhận đóng góp của chính quyền và nhân dân huyện Kiến Thụy trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Giá trị tư tưởng của Lễ hội chính là bản sắc văn hóa riêng của thành phố Hải Phòng. Bởi, lễ hội là do chính người dân Hải Phòng sinh ra nó, dựng nên, bảo tồn, duy trì cho đến ngày nay và trở thành Di sản văn hóa của quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 1.134 di tích. Trong đó, có 482 di tích được xếp hạng các cấp, 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt là Di tích Đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Danh lam thắng cảnh Cát Bà, 113 di tích cấp quốc gia, 367 di tích cấp thành phố; có 474 lễ hội với các loại hình và 5 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Lễ hội chọi Trâu, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Xa Mã, Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê và Lễ hội Minh Thề.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/hai-phong-hoi-minh-the-don-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-d77720.html