Hải Phòng: Khoanh vùng giải cứu 'Hạ Long trên cạn'

Lo các di tích chống quân xâm lược trên sông Bạch Đằng bị biến mất, TP Hải Phòng lên phương án khoanh vùng bảo vệ.

Quần thể núi tiếp nối dọc sông Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”, vừa được TP Hải Phòng khoanh vùng bảo tồn. Nguyên nhân, cơ quan chức năng lo ngại các di tích tại đây sẽ biến mất vĩnh viễn bởi các hoạt động khai thác khoáng sản.

Nhiều núi bị khai thác tan hoang

Hơn 10 năm trước, núi Bụt Mọc ở làng Thiểm Khê (xã Liên Khê) trở thành mỏ khai thác đá vôi của một số đơn vị. Sau nhiều năm bị khai thác với quy mô lớn, quả núi sừng sững ngày nào giờ bề mặt như bị cắt gọt, chỉ còn chỏm núi hình chóp màu nâu sậm. Bốn bề núi bị cày xới tan hoang với các vách núi dốc đứng, lởm chởm đá nhọn.

Cách đó không xa, núi Cống Đá 2 từ hơn 10 năm trước cũng biến thành mỏ khai thác đá. Quả núi gần như đã biến mất, chỉ còn sót lại một vài chỏm đất đá quanh chân núi. Kế bên, núi Thành Dền cũng thành đại công trường khai thác đất silic suốt nhiều năm qua. Quả núi bị cày xới tan hoang, gần như biến mất, chỉ còn lại một góc với vách đá lởm chởm bên những vũng sâu hoắm dưới chân.

Suốt dải từ xã Lại Xuân kéo về tới thị trấn Minh Đức, nhiều quả núi ở quần thể núi đá nối tiếp từng được ví như “Hạ Long trên cạn” bị khai thác tan hoang.

Tại xã Lại Xuân, núi Kẹm, núi Đá Rang, núi Thái Bảo sau nhiều năm bị khai thác cũng bị cày xới nham nhở. Khu vực Tràng Kênh, các núi đá Áng Thị, Chín Đèn từ nhiều năm nay là mỏ khai thác đá phục vụ cho một số nhà máy xi măng lớn.

Sau hàng chục năm bị tàn phá, quần thể “Hạ Long trên cạn” chỉ được xem xét giải cứu khi các bãi cọc Bạch Đằng trên cánh đồng Cao Quỳ, Đầm Thượng (xã Lại Xuân) phát lộ cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Để bảo tồn các di tích, di chỉ liên quan tới các cuộc chiến chống quân xâm lược trên dòng Bạch Đằng, TP Hải Phòng đã thông qua đề án khoanh vùng bảo vệ khu vực này.

Bãi cọc Bạch Đằng ở thôn Cao Quỳ, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Bãi cọc Bạch Đằng ở thôn Cao Quỳ, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Phạm vi khoanh vùng từ ngã ba sông Đá Bạc tới Bến Rừng, dài 21 km, tổng diện tích gần 4.000 ha, trải rộng trên địa bàn sáu xã và một thị trấn thuộc huyện Thủy Nguyên. Trong đó, khu vực bảo vệ I là các di tích đã và đang làm thủ tục xếp hạng di tích, các bãi cọc Bạch Đằng vừa được phát hiện. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh, tiếp giáp có thể ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan, môi trường, địa chất.

Ông Đỗ Văn Hiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hải Phòng, nhận định việc lập đề án khoanh vùng bảo tồn các di tích liên quan tới các cuộc kháng chiến trên sông Bạch Đằng là hết sức cần thiết. Qua đó có thể ngăn ngừa các tác động tiêu cực tới các di chỉ, di tích.

Lo di tích biến mất vĩnh viễn

Theo đề án nói trên, trước khi có quy hoạch trong khu vực khoanh vùng, TP Hải Phòng sẽ hạn chế phát triển công nghiệp, đô thị quy mô lớn, dừng xem xét cấp phép khai thác khoáng sản tại các vị trí mới. Rà soát, thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép (có lộ trình). Tại khu vực khoanh vùng sẽ chỉ ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho biết việc khoanh vùng tạm thời này sẽ ngăn ngừa tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi trong khu vực di tích có ý nghĩa quan trọng này. Những dự án chưa cấp phép, TP sẽ dừng lại, bởi tác động này cơ bản chưa ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Các dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng nhỏ lẻ, kể cả cấp phép rồi, TP cũng sẽ đàm phán để dừng lại.

Tuy nhiên, theo ông Thành, trong khu vực có những dự án đầu tư rất lớn đã được cấp phép thì không thể bắt các doanh nghiệp này dừng lại được. Vì thế, có thể sẽ thay đổi cho phép các doanh nghiệp đầu tư sản xuất lớn được khai thác ngầm xuống, những phần cảnh quan núi đá còn lại sẽ hoàn trả lại cho TP để bảo tồn.

“Trên cơ sở lập quy hoạch tổng thể, từng bước tiến tới công nhận các di tích là hết sức cần thiết. Nếu chậm thì có thể có những địa danh, di tích liên quan trận chiến sẽ bị biến mất vĩnh viễn” - ông Thành nói.

20 vị trí mỏ đã được cấp phép

Theo thống kê, khu vực khoanh vùng bảo tồn có tới 40 vị trí mỏ được quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, trong đó có 20 vị trí mỏ đã được cấp phép thăm dò, khai thác.

Cụ thể, Bộ TN&MT cấp ba giấy phép thăm dò, năm giấy phép khai thác, UBND TP Hải Phòng cấp 12 giấy phép khai thác đá vôi, silic. Hiện có năm mỏ đã đào bới hết trữ lượng núi đá, tám mỏ đá vôi vẫn đang ngày ngày khai thác rầm rộ như những đại công trường.

Trong khu vực có 25 dự án phát triển công nghiệp, trong đó có nhiều nhà máy quy mô như xi măng Hải Phòng, xi măng Chinfon.

ĐỖ HOÀNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/hai-phong-khoanh-vung-giai-cuu-ha-long-tren-can-893922.html