Hải Phòng lấp bãi cọc Bạch Đằng để bảo tồn

Ngành chức năng tiến hành san lấp bãi cọc cổ được phát hiện ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) để bảo tồn.

Chiều 7/1, trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Xuân Trung, Phó giám đốc Bảo tàng TP Hải Phòng, cho biết ngành chức năng đã tiến hành san lấp 3 hố khai quật bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên).

“Bây giờ chưa có biện pháp gì thì phải cho lấp lại để bảo tồn. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu không khai quật thêm mà đang khảo sát, nghiên cứu ở các khu vực lân cận”, ông Trung nói.

 Toàn cảnh 3 hố khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Quốc Nam.

Toàn cảnh 3 hố khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Quốc Nam.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đề nghị các nhà khoa học thăm dò, khảo sát quy mô bãi cọc theo trọng tâm.

Ông cũng yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong khu vực và làm các thủ tục công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích cấp thành phố, tiến tới đề nghị Nhà nước công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Trước đó, từ ngày 27/11/2019 đến ngày 19/12/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 và phát hiện 27 chiếc cọc tại cánh đồng Cao Quỳ.

Bãi cọc Cao Quỳ được san lấp để bảo tồn. Ảnh: Nguyễn Dương.

Những chiếc cọc này bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Cọc phân bố không thẳng hàng. Căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy có thể cọc được làm vào thế kỷ XIII.

Các nhà khoa học bước đầu kết luận đây là khu vực bãi cọc có quy mô với các cọc gỗ lớn, nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp.

Cọc đều nằm ở lòng sông với tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập ven sông.

Di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Người dân đổ về bãi cọc nghìn năm tham quan Ngày 23/12, nhiều người dân đến tham quan bãi cọc Cao Quỳ. Họ chia sẻ sự xúc động, tự hào về ý chí chống giặc Nguyên Mông của cha ông thời Trần.

Nguyễn Dương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hai-phong-lap-bai-coc-bach-dang-de-bao-ton-post1033621.html