Hải Phòng: Mỏi mòn chờ nhà máy đốt rác phát điện

Trong khi chờ đợi nhà máy đốt rác phát điện, nhiều bãi rác tạm ở huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng trong tình trạng quá tải, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Một ngày giữa tháng 11/2023, chúng tôi có mặt tại bãi rác tạm của xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng nằm ngoài tuyến đê quốc gia, ngay sát sông Luộc. Khắp nơi là những đống rác cháy dở nham nhở, có nơi còn bốc khói nghi ngút.

Một người làm nghề chăn bò (đề nghị giấu tên) ở xã Dũng Tiến cho biết, bãi rác tạm thường xuyên bị đốt trộm khiến không khí có mùi khó chịu. Bên cạnh đó, do rác tràn lên bề mặt, mỗi khi trời mưa to, gió lớn, rác và nước tràn xuống sông Luộc.

Tình trạng đốt rác tại bãi rác tạm xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

Tại khu vực bãi rác tạm của xã Liên Am và bãi rác tạm của xã Lý Học (cùng huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng) nằm cạnh nhau bên bờ sông Thái Bình, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh đốt rác. Khói lan tỏa trong không khí rất khó chịu.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Sáu - Chủ tịch UBND xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, cho biết, UBND xã Liên Am đã thuê người trông coi bãi rác để tránh tình trạng đốt trộm rác. Tuy nhiên, đôi khi người dân đem rác ra rồi “tiện tay” đốt. UBND xã Liên Am sẽ cho kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng đốt trộm rác.

Ông Nguyễn Xuân Sáu cho biết, bãi rác tạm của xã Liên Am rộng 3.000 m2 được đưa vào sử dụng từ năm 2012 đến nay đã quá tải. UBND huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng đã có kế hoạch phân bổ 500 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp.

“Năm 2023, UBND huyện Vĩnh Bảo phân bổ cho xã Liên Am 170 triệu đồng kinh phí xử lý những vấn đề liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, 80% trong số này đã được dành cho phân loại rác tại nguồn. Số còn lại không đủ trả chi phí hỗ trợ nhân công thu gom, vận chuyển rác, xử lý rác”, ông Nguyễn Xuân Sáu thông tin.

Ông Vũ Đức Hường - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng dẫn phóng viên "mục sở thị" tình trạng quá tải tại bãi rác tạm của xã.

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, ngoài lò đốt rác BD-Anpha ở thị trấn Vĩnh Bảo, tại 29 xã còn lại trên địa bàn, đều có các bãi rác tạm hình thành khoảng 20 năm trở lại đây. Nhiều bãi rác tạm nằm cạnh sông Thái Bình và sông Luộc.

Do hình thành đã lâu, lại áp dụng biện pháp xử lý khá sơ sài là đào hố, lót bạt chống thấm, phun hóa chất xử lý rồi chôn lấp, nên hầu hết các bãi rác tạm trên địa bàn đều đã quá tải tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Càng nguy hiểm đối với các bãi rác tạm cạnh sông khiến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đầu vào chính cho nhiều nhà máy nước sạch nông thôn đối diện với nguy cơ ô nhiễm cao.

Hằng năm, UBND huyện Vĩnh Bảo đều hỗ trợ kinh phí 30/30 xã, thị trấn trên địa bàn xử lý rác thải. Tuy nhiên, số kinh phí này không đủ. Các địa phương phải huy động thêm nhiều nguồn để hỗ trợ trả công người thu gom, vận chuyển rác, mua sắm dụng thu thu gom, vận chuyển rác cũng như thuê máy lu lèn, lấp đất tại các bãi rác tạm.

Bãi rác tạm của xã Liên Am và bãi rác tạm của xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng đang đe dọa chất lượng nước sông Thái Bình.

Trước thực trạng các bãi rác tạm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước các dòng sông, UBND huyện Vĩnh Bảo đã có kế hoạch đóng cửa 19 trong tổng số 49 bãi rác tạm trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thực hiện được do vẫn chưa tìm được “đầu ra” cho rác thải.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do các bãi rác tạm gây ra, cùng với hỗ trợ các địa phương kinh phí xử lý rác, UBND huyện Vĩnh Bảo tập trung phân loại rác tại nguồn trong khi chờ UBND Tp.Hải Phòng sớm lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô lớn trên địa bàn.

Về vấn đề này, theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, năm 2022, địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện, giai đoạn 2022-2027.

Theo đó, Tp.Hải Phòng sẽ lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, có công suất 1.000 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 20 MW, tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng từ 100% vốn doanh nghiệp, thời gian hoạt động 20-30 năm. Dự kiến, năm 2027, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đến nay, kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại xã Trấn Dương vẫn “bóng chim, tăm cá” trong khi các bãi rác tạm trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo đang phải “oằn mình” vì quá tải.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-phong-moi-mon-cho-nha-may-dot-rac-phat-dien-a635321.html