Hải Phòng sẽ quy định các khoản thu, mức thu dịch vụ đối với cơ sở giáo dục công lập

Tại Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2022) dự kiến khai mạc vào 18.7 tới, HĐND thành phố Hải Phòng Khóa XVI sẽ thảo luận, quyết nghị một số nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong đó, có việc phê duyệt danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

Tăng cường công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng lạm thu

Để chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, UBND thành phố cũng đã gửi tới HĐND thành phố các tờ trình, dự thảo đề án liên quan. Trong đó, Đề án Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn được xác định là cơ sở pháp lý cho các trường học công lập áp dụng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, bổ sung nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục để trang trải chi phí cần thiết cho công tác giảng dạy; tạo điều kiện cho các trường có nguồn kinh phí chủ động trong các điều kiện nuôi dạy tốt hơn cho người học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Bùi Văn Kiệm phát biểu tại buổi thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố. Ảnh: Báo Hải Phòng

Để có căn cứ xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã khảo sát thực trạng việc thu, quản lý, sử dụng khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các nhà trường trong 3 năm học (từ 2019 – 2022). Cụ thể, đối với khoản thu dạy thêm: Số tiền thu được trong năm học 2019 - 2020 là 305.788 triệu đồng; năm 2020 - 2021 là 334.086 triệu đồng và năm học 2021 - 2022 là 350.450 triệu đồng. Khoản chăm sóc bán trú thu được trong năm học 2019-2020 là 175.382 triệu đồng; năm 2020 - 2021 là 187.887 triệu đồng và năm học 2021 - 2022 là 198.398 triệu đồng. Khoản thu Giáo dục tăng cường (tin học, học ngoại ngữ, học Stem, dạy học phát triển năng khiếu thể dục thể thao…) thu được trong năm học 2019 - 2020 là 28.273 triệu đồng; năm 2020 - 2021 là 37.960 triệu đồng và năm học 2021 - 2022 là 60.186 triệu đồng…

Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục khi được thông qua sẽ tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục công lập triển khai hiệu quả, đúng quy định về các khoản thu; bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới và từng bước giảm áp lực cho các nhà trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác giáo dục; khuyến khích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của nhân dân, khắc phục tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục.

Bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích

Cũng theo dự thảo đề án được UBND thành xây dựng, việc đề xuất quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn được hiện theo các quy định tại: Điểm b, khoản 6, Điều 99 - Luật Giáo dục 2019: “HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh”.

Danh mục các khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn được UBND thành phố xây dựng tại dự thảo

Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23.3.2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định: “Mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.

Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định: “…UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định khung hoặc mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý để áp dụng tại địa phương”.

Về nguyên tắc xác định mức thu, lãnh đạo thành phố cho biết, đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Các cơ sở giáo dục phải công bố công khai mức các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Các cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ; chi đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Trước khi thu phải có dự toán thu, chi từng khoản; phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện; mức thu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không vượt quá mức thu quy định.

Đồng thời thực hiện việc bảo đảm công khai theo thông tư 36/TT-BGD&ĐT quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; bảo đảm việc tham gia đóng góp ý kiến thảo luận, bàn bạc dân chủ và sự đồng thuận, thống nhất cao của phụ huynh trong việc thu các khoản thỏa thuận, tự nguyện.

Thẩm tra trước kỳ họp về nội dung này chiểu 5.7 vừa qua, các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan soạn thảo bổ sung thêm căn cứ ban hành nghị quyết; rà soát, nghiên cứu các khoản thu học thêm không vượt quá mức trần học phí theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý, chính sách miễn, giảm học phí và giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu phải tuân theo quy định của Luật kế toán để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, thanh tra sau này. Trong dự thảo nghị quyết cũng cần quy định rõ nhà trường chỉ thu các khoản khi phát sinh các loại dịch vụ và điều chỉnh danh mục học thêm ngoại ngữ, giáo viên dạy ngoại ngữ là người nước ngoài nói chung, thay vì tiếng Anh như dự thảo.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Khóa XVI.

Mạnh Tuân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/hai-phong-se-quy-dinh-cac-khoan-thu-muc-thu-dich-vu-doi-voi-co-so-giao-duc-cong-lap-i295398/