Hải Phòng: Trưng dụng lao công hỗ trợ y tế học đường

Thiếu nhân viên y tế là thực trạng của nhiều trường học ở Hải Phòng. Có trường phải lấy giáo viên kiêm nhiệm hoặc trưng dụng lao công vào nhiệm vụ y tế học đường.

Quyết định gây khó cho nhiều trường học

Nhiều năm trước, mỗi trường học ở Hải Phòng đều có nhân viên y tế diện hợp đồng. Họ chuyên trách theo dõi sức khỏe học sinh, kiểm tra vệ sinh an toàn trường học. Tuyên truyền và thực hiện phòng chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh. Phát hiện giảm thị lực, cong vẹo cột sống, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác…

Nhân viên y tế học đường còn phải thực hiện xử trí, sơ cấp cứu tại chỗ cho học sinh khi gặp tai nạn trong trường. Chuyển học sinh bị nạn đến cơ sở khám chữa bệnh nếu thương tổn vượt quá phạm vi chuyên môn.

Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2020, theo quyết định của UBND TP Hải Phòng, nhân viên y tế trong các trường học công lập trên địa bàn bàn giao về các trạm y tế xã, phường. Các trường phải tự xoay sở để ứng phó tình hình thực tế.

Hầu hết các trường đều có phòng y tế nhưng không có nhân viên y tế chuyên trách. Một số trường nhân viên y tế là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm. Nó khiến công tác y tế học đường gặp nhiều khó khăn.

Có trường nằm ngay cạnh trạm y tế. Nhưng đôi khi trạm y tế cũng không đủ người để hỗ trợ nhà trường. Mặt khác, lực lượng y tế phường, xã, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, nếu phải kiêm y tế trường học sẽ gây quá tải công việc.

Không còn nhân viên y tế học đường, mỗi trường ở Hải Phòng xoay sở một kiểu. Ảnh:ML

'Hô biến' cô giáo thành nhân viên y tế

Trường Mầm non Hoa Phượng không có nhân viên y tế học đường. BGH cử cô giáo Nguyễn Thị Bích - Tổ trưởng chuyên môn nhà trẻ kiêm nhiệm phần việc nhân viên y tế.

Hàng ngày, nhiệm vụ của cô Bích phải kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh ATTP bữa ăn cho trẻ. Cô phải thực hiện kiểm nghiệm 3 bước, lưu mẫu thức ăn….. Kiểm tra tủ thuốc phòng y tế trường, vào sổ theo dõi sức khỏe cho trẻ (tăng cân béo phì hay suy dinh dưỡng, đau mắt đỏ…).

Cô Bích phải học và đảm nhiệm việc sơ cứu cho trẻ nếu xảy ra sự cố tai nạn. Tuy nhiên, do không có chuyên môn nghiệp vụ y nên việc sơ cứu mới chỉ dừng ở sát trùng, làm sạch vệ sinh vết thương và băng bó đơn giản. Ngay đến thuốc trong tủ, cô Bích cũng không dám cho các cháu uống vì chỉ sợ bắt bệnh sai thì nguy hiểm.

Bà Vũ Thị Thanh Hoa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng, quận Kiến An, Hải Phòng nói: "Hầu hết các trường mầm non đều thiếu nhân viên y tế. Theo quy định, trường có liên kết với trạm y tế xã để chăm sóc sức khỏe học sinh. Tuy nhiên, việc của Trạm thì nhiều, không phải lúc nào gọi là có ngay. Khi xảy ra những trường hợp tai nạn hay ngộ độc tập thể, hoặc nhiều trường cùng có học sinh mắc vấn đề sức khỏe thì trạm không đủ nhân viên hỗ trợ".

Vì kiêm nhiệm, không có chuyên môn nên giáo viên chuyên trách chỉ có thể sơ cứu đơn giản, còn thuốc không dám cho uống vì sợ "bắt bệnh" sai.

Đang là cô giáo bỗng phải 'hành nghề bốc thuốc kê đơn'

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cũng cử Tổng phụ trách, Giáo viên, nhân viên kiêm nhân viên y tế.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong, kể từ khi không còn nhân viên y tế tại trường, TTYT quận Ngô Quyền cắt cử 1 nhân viên của Trạm y tế phường sang trực 1 ngày/ tuần. Nhân viên này giải quyết những vấn đề như vào sổ theo dõi sức khỏe học sinh, hoặc xử lý tại chỗ những ca tai nạn, thương tích. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ trường chỉ 1 ngày/ tuần là quá ít, chưa đáp ứng thực tế.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, ngay việc ăn bán trú, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm rất cần có người chuyên trách trong lĩnh vực y tế giám sát, thực kiểm theo quy định. Hay như phòng chống dịch bệnh theo mùa, khi có chuyên môn nghiệp vụ về y tế, họ sẽ chủ động lên phương án tuyên truyền và xây dựng kế hoạch phun khử, đảm bảo vệ sinh chung cho trường, lớp. Việc thiếu nhân viên y tế khiến các trường rất bị động trong triển khai.

Bà Bùi Thị Lệ Hằng – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền thừa nhận, y tế học đường có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe học sinh. Công việc này tưởng nhàn nhưng không hẳn. Họ vừa chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, phòng chống dịch bệnh trong trường học, vừa phải thực hiện các công việc sơ cứu tại chỗ cho học sinh gặp nạn trước khi chuyển tuyến trên. Không có nhân viên y tế, người kiêm nhiệm lúng túng trong xử lý khi có tình huống về ngộ độc hay thương tích, tai nạn. Thậm chí dược phẩm có sẵn trong tủ thuốc cũng không dám cho uống vì sợ sai sót. Hơn lúc nào, các trường học, đặc biệt cấp mầm non, tiểu học rất cần nhân viên y tế học đường trở lại.

Cùng trong bối cảnh "thèm khát" nhân viên y tế học đường, trường THCS Lạc Viên (quận Ngô Quyền) nhiều năm nay loay hoay bài toán y tế học đường. Lúc tìm được nhân viên y tế nghỉ hưu mời về làm cho trường thì vướng quy định không có cơ chế sử dụng nguồn chi trả. Cực chẳng đã, nhà trường phải cử giáo viên trực hoặc nhân viên văn thư hỗ trợ. Thậm chí có lúc trường nhờ cả lao công trực giúp. Tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ mang tính ứng phó tạm thời vì người kiêm nhiệm không có chuyên môn y tế. Khi xảy ra tình huống học sinh cần cấp cứu thì lúng túng "rối như cạnh hẹ".

Cô giáo Đào Thị Thùy Dương – Phó Hiệu trưởng trường THCS Lạc Viên thẳng thắn nêu: "Từ cách nghịch của học sinh, nhìn đã thấy tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Có lần, học sinh đùa nhau tổn thương chân được nhân viên y tế phát hiện khả năng gãy xương mác. Nhân viên nhắc phụ huynh cần đưa con tới bệnh viện xử lý sớm. Nhờ có chuyên môn và kinh nghiệm trong nghề, nhân viên y tế dự báo, lường trước các tình huống về bệnh lý nguy hiểm cho học sinh. Nếu không có chuyên môn khi xử có khi còn gây thương tổn nhiều hơn cho người bệnh".

Y tế học đường cần sớm trở lại

Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh, Hải Phòng) có hơn 1800 học sinh / 41 lớp. Trường vẫn còn nhân viên y tế học đường. Nhiều năm nay, công tác y tế của trường mới dừng ở việc lên kế hoạch khám sức khỏe ban đầu cho học sinh, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo mùa. Trong khi đó ở lứa tuổi đang độ trưởng thành, học sinh cần được tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tâm sinh lý lứa tuổi dậy và trang bị kỹ năng cần thiết khác khi tiếp cận khác giới.

Hiện, chỉ có khối THPT ở Hải Phòng còn duy trì định biên nhân viên y tế học đường.

Thầy giáo Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận Dương Kinh, Hải Phòng cho rằng, càng ở bậc học dưới (Mầm non, Tiểu học, THCS) càng cần có y tế học đường. Vì độ tuổi này các em rất dễ bị tai nạn, thương tích ngộ độc. Bởi các em chưa kiểm soát được hành vi nguy hiểm xung quanh mình.

Theo thầy Minh Quý, ở bậc học THPT, nhân viên y tế tuy có nhưng mức lương, phụ cấp còn quá thấp, không đảm bảo. Hiện về nhân sự, nhà trường đang quản lý nhưng về công tác chuyên môn y tế thì chưa có sự rõ ràng. Đây cũng là bất cập chưa phát huy được vai trò y tế trong học đường. Theo đó, cần có sự liên kết, kết nối giữa y tế nhà trường với y tế cơ sở để nắm bắt, triển khai kịp thời các công tác chăm sóc, tư vấn sức khỏe … cho học sinh tốt hơn.

Xác định công tác y tế trường học là nhiệm vụ hết sức quan trọng, mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, cho biết, Sở kiến nghị Bộ GD&ĐT và UBND thành phố bổ sung vào định mức danh mục vị trí việc làm đối với nhân viên y tế. Cần có chỉ tiêu biên chế cho nhân viên y tế trường học để chăm sóc sức khỏe cho học sinh và thực hiện các nội dung y tế quy định tại Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT.

MInh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-phong-trung-dung-lao-cong-ho-tro-y-te-hoc-duong-169230911143015992.htm