Hải Phòng: Trường mong có quy định riêng tạo điều kiện cho dạy ngoại ngữ 2

Các cơ sở giáo dục ở Hải Phòng mong muốn có quy định riêng để tạo điều kiện cho các nhà trường khi triển khai dạy ngoại ngữ 2 cho học sinh.

Khó khăn khi triển khai dạy ngoại ngữ 2

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trong bối cảnh thành phố đang có nhiều nhà đầu tư như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…nhu cầu học các ngoại ngữ khác tiếng Anh để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của phụ huynh, học sinh ở Hải Phòng ngày càng gia tăng.

Đáp ứng nhu cầu trên, hiện có 13 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đang triển khai cho học sinh học ngoại ngữ 2 là tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong đó, học sinh vẫn học tiếng Anh là ngoại ngữ 1 và được nhà trường tổ chức học thêm một ngoại ngữ khác với thời lượng 3 tiết/tuần (được xếp vào nhóm môn học tự chọn).

Trong đó, cấp trung học phổ thông hiện có Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú giảng dạy có 6 ngoại ngữ chuyên gồm: tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung và tiếng Nhật, tiếng Hàn. Trường còn có lớp song ngữ tiếng Pháp (dành cho học sinh theo chương trình song ngữ tiếng Pháp, đã học từ bậc tiểu học)

Cũng có một số trường ngoài công lập triển khai dạy ngoại ngữ 2, điển hình như Trường Trung học phổ thông Marie Curie triển khai 4 ngoại ngữ khác nhau, ngoài tiếng Anh nhà trường còn triển khai dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung.

Còn các trường phổ thông khác do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên chỉ tổ chức cho học sinh tiếp cận ngoại ngữ 2 với hình thức câu lạc bộ.

Việc triển khai dạy ngoại ngữ 2 trong trường học còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, thực tế khi triển khai cho học sinh học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh còn gặp một số khó khăn, nhất là về đội ngũ giáo viên.

Hiện nay, số lượng giáo viên dạy được ngoại ngữ khác tiếng Anh trên địa bàn thành phố không nhiều dẫn đến một số trường mong muốn triển khai ngoại ngữ 2 nhưng chưa có giáo viên để đáp ứng việc giảng dạy.

Một số trường đang khắc phục bằng cách liên hệ với các trung tâm dạy ngoại ngữ để hợp đồng với giáo viên để dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung.

Khi triển khai cho học sinh học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, các nhà trường còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là về đội ngũ giáo viên. (Ảnh: Phạm Linh)

Khi triển khai cho học sinh học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, các nhà trường còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là về đội ngũ giáo viên. (Ảnh: Phạm Linh)

Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy ngoại ngữ 2 ở các trường không cùng quận, huyện sẽ gây khó khăn để đảm bảo liên thông giữa các cấp học, gây lãng phí trong công tác đào tạo.

Hiện nay chỉ có Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tổ chức dạy 2 lớp song ngữ tiếng Pháp. Với hệ song ngữ này, khi lên cấp trung học cơ sở chỉ có Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng và đến cấp trung học phổ thông chỉ có Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú triển khai.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, hiện đang tiếp tục chỉ đạo các nhà trường khắc phục khó khăn để triển khai ngoại ngữ 2. Từ đó, tạo điều kiện cho học sinh được học nhiều ngôn ngữ khác nhau, qua đó sẽ tạo đà để sau này tiếp cận với môi trường lao động của các nhà đầu tư nước ngoài tại thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng đặt hàng với các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho giáo viên đến tham gia giảng dạy tại các nhà trường.

Sở cũng sẽ kiến nghị đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc cung ứng giáo viên. Đồng thời, tham mưu tích cực với Ủy ban nhân dân thành phố bố trí lượng biên chế giáo viên dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh.

Đây là bước tính lâu dài để đảm bảo tính liên thông khi triển khai dạy ngoại ngữ 2 từ tiểu học trở lên để tránh lãng phí quá trình đào tạo, từ đó tạo sự vững chắc, ổn định cho việc dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường.

Cần có quy định riêng đối với các trường dạy ngoại ngữ 2

Thực tế, bên cạnh định hướng tham gia thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học trong nước, hiện nay có rất nhiều học sinh chọn học thêm ngoại ngữ khác tiếng Anh như tiếng Hàn, Nhật, Trung để phục vụ mục tiêu đi du học, xuất khẩu lao động.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng xuất hiện nhiều trung tâm tổ chức đào tạo ngắn hạn, môi giới du học và xuất khẩu lao động.

Mặt khác, nhiều học sinh cũng lựa chọn học ngoại ngữ, học nghề để có công việc sớm tại các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở/trung học phổ thông.

Trước nhu cầu của phụ huynh, học sinh, các trường trung học phổ thông mong muốn được tạo điều kiện tổ chức dạy ngoại ngữ 2 cho học sinh. (Ảnh: Phạm Linh)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Kiến Thụy (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết, trường là một trong 5 đơn vị được thụ hưởng đề án dạy tiếng Hàn Quốc do Phòng Giáo dục tiếng Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ Hải Phòng thực hiện.

Theo đó, nhà trường được đầu tư trang thiết bị cùng giáo viên người bản địa hỗ trợ giảng dạy cho học sinh với hình thức câu lạc bộ.

Bước đầu, câu lạc bộ tiếng Hàn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, khi đề án kết thúc, để chính thức đưa tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ 2, nhà trường vẫn chưa đáp ứng được về cơ sở vật chất và giáo viên.

Đại diện nhà trường chia sẻ: “Sau khi đề án dạy tiếng Hàn cho một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng được triển khai, bước ban đầu đã tạo cơ sở, tiền đề cho học sinh của nhà trường tiếp cận một ngoại ngữ mới.

Theo đó, nhà trường rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nước bạn cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo để có thể đưa ngoại ngữ 2 vào chương trình học. Học sinh nhà trường từ đó sẽ có đa dạng sự lựa chọn học ngoại ngữ hơn.

Cũng giống như môn tiếng Anh, những học sinh yêu thích và thực sự đầu tư thời gian, công sức học tiếng Hàn sẽ có thêm cơ hội tìm ra thế mạnh của bản thân và có thể chọn tham gia thi chứng chỉ ngoại ngữ này, rồi làm căn cứ xét tuyển đại học với chuyên ngành phù hợp.

Thực tế, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài nên nhà trường rất mong Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành tạo điều kiện trang bị thêm những yếu tố cần và đủ để nhà trường có thể triển khai dạy ngoại ngữ 2 cho học sinh.

Việc triển khai dạy ngoại ngữ 2 sẽ hỗ trợ cho công tác hướng nghiệp trong nhà trường đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh tế cho học sinh, phụ huynh có nhu cầu học ngoại ngữ khác tiếng Anh, phù hợp với xu hướng hội nhập sau này”.

Các cơ sở giáo dục mong muốn thành phố có quy định riêng đối với các trường triển khai dạy ngoại ngữ 2. (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Phạm Thị Duyên – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết, việc triển khai dạy ngoại ngữ 2 của nhà trường hiện nay đã ổn định và nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Để đạt được kết quả này không thể không nói đến sự hỗ trợ đến từ đề án dạy tiếng Hàn Quốc của Phòng Giáo dục tiếng Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, Hiệu trưởng nhà trường đề xuất: “Đối đơn vị tài trợ, nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự tài trợ từ phía nước Hàn Quốc để triển khai thực hiện.

Thứ hai, tiếng Hàn đang là môn ngoại ngữ 2 của nhà trường và theo quy định học sinh sẽ học 3 tiết/tuần.

Nếu không có sự hỗ trợ giáo viên từ phía nước bạn, việc ký hợp đồng với giáo viên trung tâm còn nhiều vướng mắc liên quan đến thu học phí, quy định của Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng.

Như vậy, nhà trường mong muốn có quy định riêng đối với các trường triển khai dạy ngoại ngữ 2 ví dụ như được xã hội hóa mức thu học phí.

Thứ ba, nhà trường cũng đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo có quy định để động viên các nhà trường triển khai dạy ngoại ngữ 2, đảm bảo tính liên thông, liên tục giữa các cấp học khi học sinh chọn học ngoại ngữ 2.

Tránh tình trạng học sinh đã học xong 4 năm tiếng Hàn tại cấp trung học cơ sở mà lại không có cơ hội học tiếp ở cấp cao hơn thì rất lãng phí công tác đào tạo”.

Phạm Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hai-phong-truong-mong-co-quy-dinh-rieng-tao-dieu-kien-cho-day-ngoai-ngu-2-post233713.gd