Hai phương diện đặc sắc trong chân dung Nhà nho - kẻ sỹ Nguyễn Công Trứ

Đó là tài và tình - hai phẩm chất, hai phương diện làm nên đặc trưng của nhà nho Uy Viễn; và xét rộng ra thì dường như cũng là đặc trưng của người Xứ Nghệ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Tài và tình - đã đến ngưỡng của danh nhân văn hóa thì dường như ai mà chẳng có, chẳng phải riêng Xứ Nghệ, hoặc Hà Tĩnh; nhưng với Nguyễn Công Trứ thì, theo tôi, dường như hai phẩm chất đó là đậm nét hơn, đột xuất hơn, gây ấn tượng nhiều hơn.

Không chỉ một lần, Nguyễn nói đến cái tài và cái chí của mình:

Đã mang tiếng đứng trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả, trả vay

Chí làm trai, nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

Và:

Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

Cái tài được giắt lưng này gần như đi suốt cuộc đời Nguyễn Công Trứ; và với câu thơ này nó có mang theo một ý vị chua chát; bởi, dường như nó chưa bao giờ được dùng hết; đành cứ phải “giắt lưng”, không phải là để dành, mà như một sự dư thừa, bỏ phí; bởi, cũng như nhiều danh nhân khác vào đầu thế kỷ XIX, trong khai trương một triều đại mới - triều Nguyễn Gia Long, đó là một thời khó sống.

Có tài và cái tài ấy rồi cũng được sử dụng, vì lợi ích của một vương triều, mà Nguyễn Công Trứ sẽ là một tôi trung mẫn cán, kể từ 1803 - năm Gia Long thứ nhất, khi Nguyễn đã ở tuổi 25, dâng Thái bình thập sách. Nhưng để có thể lọt vào “mắt xanh”, vào “tầm ngắm” của triều đình, Nguyễn đã phải trải biết bao lận đận. Lận đận từ những cuộc khảo thí, phải 3 lần thi Hương, vào các năm 1807, 1813, đến 1819 mới giành được Giải nguyên, ở tuổi 41; để, với nó mà có chức quan khởi nghiệp là Hành tẩu Quốc sử quán - năm 1820. Phải vào tuổi 42, Nguyễn mới có cơ hội để thực hiện chí nam nhi, như vậy, rõ ràng là quá muộn. Tuổi 42 vào năm 1820, đó là năm Minh Mệnh thứ nhất; và 20 năm dưới triều Minh Mệnh, Nguyễn đã có cơ hội để thực thi hai phương diện của tài năng và sự nghiệp. Đó là việc dẹp giặc Phan Bá Vành - năm 1827 và giặc Nùng Văn Vân - năm 1833, để sau đó, nhận chức quan đầu triều hàm Binh bộ Thượng thư, kiêm Thự Tổng đốc Quảng An - năm 1836 ở tuổi 58. Đây cũng là thời gian Nguyễn bộc lộ tư chất một nhà kinh tế, trong việc khai khẩn đất hoang và mở mang thủy lợi, để lập nên hai huyện mới là Tiền Hải - Thái Bình và Kim Sơn - Ninh Bình. Với sự nghiệp này, Nguyễn được nhân dân hai huyện lập đền thờ để tế sống - với đôi câu đối chữ Hán, qua lời dịch:

Trên đất dựng sinh từ,

làng Đông Ấp trăm năm kỷ niệm

Giữa trời trơ cột đá,

ngọn Hồng Sơn muôn thuở sáng cao.

Nguyễn đã 6 lần dâng sớ, mong củng cố uy thế của triều đình bằng phép nghiêm trừ giặc cướp; nghiêm trị nạn cường hào; tổ chức chính sự ở Tiền Hải; lập chế độ quân dịch; hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang; rút quân khỏi Trấn Tây… “Trời đất cho ta một cái tài” - cái tài đó ở Nguyễn ít nhiều cũng đã được sử dụng. Nguyễn cũng đã có lúc nhận được ơn riêng của vua Minh Mệnh. Vậy là cái khao khát dấn thân và chí nam nhi của Nguyễn cũng đã có hoàn cảnh thi thố; và được triều đình tin cậy, ở cả hai phương diện xem ra là không cùng chiều: Đánh dẹp khởi nghĩa nông dân và khai khẩn đất hoang cho dân. Ở hai sự nghiệp đó, cố nhiên Nguyễn không thể thấy là trái ngược, bởi “nghĩa quân thân”… Bởi cái ý chí đã được nuôi từ rất sớm: “Ba vạn anh hùng đè xuống dưới. Chín lần thiên tử đội lên trên”. Bởi cái quan niệm như đinh đóng cột: “Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người”.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng tại xã Quang Thiện- Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Đậu Hà)

Kể về tài trên cả hai phương diện: Binh nghiệp và mở mang kinh tế; vừa dẹp khởi nghĩa nông dân, vừa lo đất ruộng - cơm áo cho dân - rồi được nhân dân lập đền thờ, thì, so với người đương thời, Nguyễn là nhân vật số 1. Có điều cần lưu ý là ông đã phải thực hiện cái tài và cái chí của mình trong muôn vàn hiểm nguy và bất trắc. Cuối cùng, nhìn vào những thăng giáng liên tục mà ông vẫn còn là ông. Để cho hậu thế còn được tiếp tục ngưỡng mộ một Nguyễn Công Trứ ở tuổi thọ ngoài bảy mươi, thực hiện tiếp một chữ tình cho riêng mình, bên một chữ tài, khó mà tận dụng hết công suất!

Năm 1849, ở tuổi 71, Nguyễn Công Trứ chính thức nghỉ hưu, trở về quê Hà Tĩnh. Vậy là sau ngót 30 năm quan lộ, Nguyễn được trở về với cốt cách đích thực của mình - một nhà nho có gốc quê sinh dưới chân Ngàn Hống, gắn với sông Lam, núi Hồng. Người hăm hở dấn thân, với bao vinh nhục, thăng trầm, “lên voi xuống chó”, phải đến bây giờ, vào tuổi 70 mới là lúc được trở về với chính bản thân mình, trong một tổng kết vừa bùi ngùi, vừa chua chát:

Ôi! Nhân sinh là thế ấy

Như bóng đèn, như mây nổi

Như gió thổi, như chiêm bao

Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào

Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín

Ra trường danh lợi vinh liền nhục

Vào cuộc trần ai khóc lộn cười.

Để từ lúc này mới thật sự tìm thấy chính hạnh phúc đích thực của mình:

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt

Cúc, tùng, phong, nguyệt mới vui sao!

với mơ ước, nếu được chọn kiếp sau, đó sẽ là:

… xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Khác với nhiều tên tuổi cùng thời, Nguyễn không có một sự nghiệp thơ chữ Hán với chỉ 1 bài được lưu lại - đó là bài Thất thập tự thọ. Tất cả, gồm vài chục bài thơ Nôm Đường luật và trên 60 bài là hát nói, là ca trù. Với thơ Nôm, thỉnh thoảng Nguyễn có giọng bất bình, bi phẫn: “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược. Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”/ “Nghe như chọc giận tai làm điếc. Giận đã căm gan mỉm miệng cười”… Nhưng đó chỉ là một tỷ lệ nhỏ, so với thơ nói về chí trai và khát vọng lập công danh. Có chán đời, nhưng vẫn bám mà không bỏ đời. Bởi với chí lập thân dẻo dai ở tuổi tráng niên và ngót 30 năm dấn thân, Nguyễn đã có cơ hội hành động và dồn hết tâm, sinh lực vào hành động. Một sự nghiệp văn chương, đó là điều không thể không có, đối với bất cứ ai là nhà nho, là kẻ sĩ; nhưng với Nguyễn Công Trứ, sự nghiệp đó lại đi theo một ngả rẽ khác, chủ yếu thuộc vào những năm cuối đời.

Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân (Ảnh: Đậu Hà)

Một mẫu hình mới của nhà Nho - hành lạc, hưởng lạc đã xuất hiện qua chân dung Nguyễn Công Trứ, ứng với một thời rạn vỡ các quan niệm chính danh, chính thống của Nho giáo lấy tu, tề, trị, bình làm căn bản. Con người với những lạc thú cá nhân đã xuất hiện và tìm đến sự thể hiện mình trong thơ, không phải thơ Đường luật Trung Hoa, mà là thơ Nôm dân tộc. Và không chỉ là Nôm để ngâm mà còn là ca, là ca trù, là hát nói, như là một thú chơi, với rượu, với thơ, với đàn sáo, với thanh và sắc, với ca kỹ, con hát, người hầu. “Chơi cho lịch mới là chơi. Chơi cho đài các, cho người biết tay…”. “Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề. Có yến yến hường hường mới thú. Khi đắc ý mắt đi mày lại. Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng”. Hoặc là:

Gót tiên chơi đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Cả trong sự hoan lạc thật là dẻo dai, nồng nàn ở tuổi ngoài 70 trong chốn buồng the:

Tân nhân dục vấn lang niên kỷ

Ngũ thập niên tiền nhị thập tam

(Vợ hỏi chồng (năm nay) bao nhiêu tuổi

- Năm mươi năm trước đây ta hai mươi ba)

nó làm rạng rỡ một chân dung Nguyễn, như một biểu trưng cực kỳ đột xuất và độc đáo cho một thái độ sống, rồi sẽ làm nên một khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật trong văn chương dân tộc, vốn đã hình thành từ cuối thế kỷ trước với Phạm Thái và nối về sau với Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, rồi tiếp đó là Tản Đà, cho đến Nguyễn Tuân và phong trào Thơ mới, những người mở đường cho văn học hiện đại.

Bộ phận thơ viết về con người hành lạc và các thú chơi này ở Nguyễn Công Trứ, tôi nghĩ số lớn là được viết vào phần cuối đời. Hẳn phải vào cuối đời, khi đã chấm hết mọi phận sự và công danh, khi đã ngấm mọi vinh nhục “khóc lộn cười”, trong cõi “trần ai”, Nguyễn mới có dịp tổng kết để đến với một triết lý mang ý vị thế giới quan và nhân sinh quan nghiêm chỉnh: Đời rút lại chỉ là một cuộc chơi lớn; một cuộc chơi trong cõi nhân sinh “ba vạn sáu nghìn ngày” (“Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi. Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi”); con người phải khôn ngoan mở “rộng đất chơi” (“Nhắn con tạo hóa xoay thời lại. Để khách tang bồng rộng đất chơi”). Triết lý ấy ứng vào cái thời ấy, cái thời đất nước đang âm thầm tích tụ cho một cuộc thay đổi, khi cái cũ đã không còn lý do để tồn tại và cái mới chỉ vừa hé lộ trong các nền móng vật chất và tinh thần của xã hội.

Với tài và tình, Nguyễn đã là người góp phần khơi rộng và tạo một lối rẽ cho con người được trở về với chính cá nhân mình, chính cái tôi riêng của mình trong khát vọng hưởng thụ mà hệ tư tưởng chính thống Nho giáo đã bóp nghẹt và vắt kiệt trong một xã hội phong kiến kéo quá dài trong lịch sử.

Giáo sư Phong Lê

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/hai-phuong-dien-dac-sac-trong-chan-dung-nha-nho-ke-sy-nguyen-cong-tru/165513.htm