Hái quả ngọt từ tăng trưởng GDP thần kỳ

Vấn đề không phải là bỏ hay giữ mục tiêu GDP trên đầu người. Tăng trưởng kinh tế phải đồng hành cùng mức tăng thu nhập thật của người dân.

Khúc ca vui về mức tăng trưởng GDP một lần nữa lại được vang lên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước 9 tháng đầu năm 2018 ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 tới nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%. Với đà tăng trưởng này, dự tính, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2018 là hoàn toàn khả thi.

Tất nhiên, vẫn xuất hiện những nốt nhạc trầm đã khá quen tai. Mức đóng góp của nhóm ngành nông nghiệp quá khiêm tốn do với hai nhóm ngành còn lại. Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng với mức tăng 12,9%, đóng góp 9,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung, cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua gợi nhớ đến những cái tên như Samsung, Formosa… Quả thật, đã có tăng trưởng nhưng vẫn còn xa mới tới thực chất.

Chênh lệch giữa GNI và GDP càng lớn, nền kinh tế Việt Nam càng dễ tổn thương trước những cú sốc của dòng vốn ngoại

Điều này được minh chứng rõ ràng hơn khi nhìn vào thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Việt trong 9 tháng đầu năm 2018. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%.

Thực tế doanh nghiệp giải thể hàng loạt kéo dài nhiều năm nay chắc hẳn không có nguyên nhân trực tiếp từ trào lưu start – up, khởi nghiệp trước mọi sự tính sau. Dù môi trường kinh doanh không thể cải thiện ngày một ngày hai nhưng phải thừa nhận rằng, đã không có nhiều chuyển biến tích cực đối với hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa dù họ đã được đặt vào vị trí trung tâm, động lực của nền kinh tế. Nếu xu hướng này không chấm dứt, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 nếu có thành thật thì cũng sẽ sớm vỡ tan như bong bóng.

Tiếc thay, đó vẫn chưa phải là điều đáng buồn nhất. Trong một cuộc họp giữa Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với các chuyên gia kinh tế mới đây, một sự thật khác về GDP được hé lộ. Dẫn báo cáo mới phát hành về khả năng thực hiện một số chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tốc độ tăng GDP bình quân đạt kế hoạch, ở mức 6,71%. Tuy nhiên, GDP trên đầu người chỉ đạt được mức 2.900 - 3.000 USD, thấp hơn rất nhiều mục tiêu của kế hoạch là 3.200-3.500 USD. Không thể giấu được những tiếng thở dài thất vọng.

Đầu tiên, không thể phủ nhận đã tồn tại cách tính toán có phần ‘tính cua trong lỗ’ nhiều năm về trước. Ngay tại cuộc họp, một vị chuyên gia kinh tế thẳng thắn, nếu đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP thì nên bỏ chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, vì hai cái đó mâu thuẫn với nhau và cứ nếu cứ để thế thì "ông nọ đá bà kia". Đáng ngại hơn, nếu không thành thật, sẽ phải đối diện với một sự giả dối khác. Mục tiêu chỉ đạt được nếu thổi phồng giá trị GDP danh nghĩa và giữ nguyên tỷ giá. Rõ ràng, không ai cần cán đích đặt ra theo cách đó.

Thêm nữa, những con số không câm lặng buộc chúng ta phải nói to lên nỗi băn khoăn, phải chăng, nền kinh tế phát triển như mong đợi nhưng mức tăng thu nhập của người dân không song hành? Điều này xem ra lại hợp lý.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), năng suất lao động trong những năm gần đây đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao: giai đoạn 2006-2012: 3,29%/năm; giai đoạn 2012-2017: 5,3%/năm, trong đó năm 2015 đạt mức cao nhất với tốc độ 6,49%/năm.

Tuy nhiên, so sánh với một số nước Đông Bắc Á và ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp, đặc biệt so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia. Đáng nói, ngành công nghệ chế biến, chế tạo, chiếc chìa khóa tạo nên mức tăng trưởng GDP của Việt Nam có năng suất lao động xếp sau Campuchia. Và khi người giàu Việt trong một ngày kiếm nhiều hơn thu nhập của người nghèo trong 10 năm, ngay cả mức GDP bình quân đầu người hiện tại cũng cần xem xét lại.

Điểm lạ là tính chưa chuẩn xác của số liệu GDP và các tính toán liên quan tới chỉ số này đã nhiều lần được đặt ra nhưng chưa nhìn thấy sự thay đổi tích cực. Thậm chí, theo quan sát của TS Bùi Trinh, một chuyên gia kinh tế độc lập, trong niên giám của Tổng cục Thống kê không chỉ công bố số liệu về GDP mà còn công bố cả về GNI (bằng GDP + thu nhập sở hữu – chi trả sở hữu, thể hiện tổng thu nhập của người dân mỗi quốc gia dù trong hay ngoài nước) nhưng đáng tiếc là hầu như không có hoặc rất ít người sử dụng số liệu này trong các nghiên cứu hoặc báo cáo. Nếu dựa vào các số liệu này, bức tranh thu nhập của người Việt sẽ rõ ràng hơn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/hai-qua-ngot-tu-tang-truong-gdp-than-ky-3367001/