Hải quan khảo sát việc thanh toán điện tử qua Cơ chế một cửa quốc gia

Tổng cục Hải quan vừa giao các cục hải quan địa phương tổ chức khảo sát mức độ áp dụng thủ tục thanh toán điện tử trong thu phí, lệ phí đối với các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Giao diện Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: T.Bình.

Giao diện Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: T.Bình.

Khảo sát 3 nhóm doanh nghiệp

Theo Tổng cục Hải quan, tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, Thủ tướng yêu cầu: Tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua NSW dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời, đến năm 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện NSW thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) chỉ đạo: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng tập trung. Trong đó, cung cấp các dịch vụ tiện ích để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện thủ tục hành chính theo NSW, ASW.

Đặc biệt, NSW đã cho phép doanh nghiệp thực hiện một số thủ tục xuất khẩu/nhập khẩu hàng hóa; xuất cảnh/nhập cảnh phương tiện với các cơ quan quản lý nhà nước (Cảng vụ, cơ quan Hải quan, Bộ đội Biên phòng... các cơ quan cấp phép như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ… Tuy nhiên, khâu thanh toán thuế, phí, lệ phí ở các cơ quan khác nhau vẫn thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau dẫn đến khó khăn, mất thời gian, nhân lực của các bên.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên và khắc phục hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện NSW và tăng cường thanh toán theo phương thức điện tử theo chủ trương chung của Chính phủ, Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo các cục hải quan địa phương giao các chi cục hải quan trọng điểm phát phiếu khảo sát độ áp dụng thủ tục thanh toán điện tử trong thu phí, lệ phí đối với các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tới doanh nghiệp trên địa bàn.

Cụ thể, đối tượng khảo sát là 3 nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải (đường không, đường biển); doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics (Kho hàng không, kho ngoại quan, kho bảo thuế, ICD).

Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan địa phương gửi phiếu khảo sát tối thiểu cho 100 doanh nghiệp trong phạm vi đối tượng nêu trên.

Tập trung vào địa bàn trọng điểm

Ngoài việc giao nhiệm vụ chung cho các cục hải quan địa phương, đáng chú ý, Tổng cục Hải quan còn đưa ra yêu cầu cụ thể với các cục hải quan trọng điểm.

Trong đó, Cục Hải quan Quảng Ninh, Cục Hải quan Lạng Sơn gửi phiếu khảo sát tới tối thiểu 50 doanh nghiệp có thực hiện thủ tục liên quan đến vấn đề kiểm dịch và an toàn thực phẩm; 50 doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính có cấp phép, kiểm tra chất lượng do các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu gửi phiếu khảo sát tối thiểu cho 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường biển (hãng tàu, đại lý giao nhận); 70 doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực kiểm dịch, cấp phép của các bộ quản lý chuyên ngành.

Cục Hải quan TPHCM gửi phiếu khảo sát tối thiểu cho 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường biển (hãng tàu, đại lý giao nhận); 50 doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực kiểm dịch, cấp phép của các Bộ quản lý chuyên ngành; 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và vận tải đường không (hãng hàng không, kho hàng không và doanh nghiệp giao nhận).

Cục Hải quan Đà Nẵng gửi phiếu khảo sát tối thiểu cho 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường biển (hãng tàu, đại lý giao nhận); 50 doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực kiểm dịch, cấp phép của các bộ quản lý chuyên ngành; 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và vận tải đường biển (hãng vận tải, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics).

Cục Hải quan Đồng Nai, Cục Hải quan Bình Dương gửi phiếu khảo sát cho 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics (quản lý kho ngoại quan, kho bảo thuế, ICD, doanh nghiệp giao nhận); 70 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực kiểm dịch, cấp phép của các Bộ quản lý chuyên ngành.

Cục Hải quan Hà Nội gửi phiếu khảo sát cho 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường không (hãng hàng không, kho hàng không và doanh nghiệp giao nhận); 70 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực kiểm dịch, cấp phép của các bộ quản lý chuyên ngành.

Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899, tính đến 15/8, có 13 bộ, ngành tham gia kết nối NSW vơí174 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia.

Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 2,34 triệu bộ hồ sơ và trên 31,8 nghìn doanh nghiệp tham gia. Riêng từ 1/1/2019 đến 15/8, số hồ sơ đã được xử lý gần 608,8 nghìn bộ hồ sơ của hơn 5,45 nghìn doanh nghiệp.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hai-quan-khao-sat-viec-thanh-toan-dien-tu-qua-co-che-mot-cua-quoc-gia-111574.html