Hải quân NATO và mối lo 'chiến tranh dưới đáy biển'

Những sự cố gần đây xảy ra với hệ thống cáp quang và đường ống dưới biển của Phần Lan - thành viên mới nhất của NATO đã làm tăng thêm mối lo ngại của liên minh quân sự này về bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới đáy biển.

Ngày 8-10-2023, một đường ống dẫn khí đốt và 2 tuyến cáp viễn thông nối Estonia và Phần Lan bị hư hỏng. Vụ việc vẫn đang được điều tra nhưng có dấu hiệu cho thấy sự việc có thể liên quan đến mỏ neo của một tàu container Trung Quốc, không biết có phải do cố ý hay không.

NATO phản ứng bằng cách tăng cường tuần tra trên không và điều động 4 tàu săn mìn tới khu vực. Người phát ngôn của liên minh cho biết: “NATO sẽ tiếp tục điều chỉnh hoạt động ở Biển Baltic và sẽ thực hiện mọi bước cần thiết để giữ an toàn”.

Vụ việc một lần nữa cảnh báo về tính dễ bị tổn thương của cơ sở hạ tầng dưới nước sau một loạt các sự cố tương tự ở Bắc Âu.

Vào năm 2021, một đoạn cáp quang dài 4km đã biến mất khỏi vùng biển phía Bắc Na Uy. Đến tháng 2-2022, một dây cáp dữ liệu của Na Uy bị hỏng, có dấu vết tác động của con người.

Vụ việc nổi bật nhất là vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Steam giữa Nga và Đức vào tháng 9-2022. Sự cố đã làm gia tăng căng thẳng giữa NATO và Nga.

Cơ sở hạ tầng dưới nước rất quan trọng đối với cuộc sống hiện đại. Hầu hết lưu lượng truy cập internet được truyền qua cáp quang biển và các đường ống năng lượng chạy khắp các vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, do nằm dưới đáy biển nên hệ thống cáp quang hay đường ống dẫn khí sẽ dễ tiếp xúc với các yếu tố gây hư hại từ điều kiện tự nhiên đến các tác nhân thù địch.

Đô đốc Ben Key của Hải quân Hoàng gia Anh cho rằng, quanh “cơ sở hạ tầng kinh tế” dưới biển còn nhiều lỗ hổng, cần phải giám sát và bảo vệ

Năm 2023, NATO đã đưa ra một số sáng kiến tăng cường hợp tác quân - dân sự nhằm tăng cường an ninh cho cơ sở hạ tầng dưới nước và phối hợp để nâng cao khả năng giám sát hàng hải

Một trong những dự án đổi mới về quốc phòng của NATO là thí điểm máy gia tốc để tăng cường cảm biến và giám sát các vùng ven biển

Cuộc tập trận Dynamic Messenger hàng năm có trọng tâm là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước và liên quan đến trao đổi thông tin giữa quân đội NATO với khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, việc bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước không phải là nhiệm vụ đơn giản. Việc này dễ dàng hơn ở vùng nước nông hoặc gần các căn cứ hải quân, như ở vùng biển Baltic và Bắc Âu, nhưng việc phát hiện và ngăn chặn hoạt động đe dọa ở vùng nước sâu hoặc xa bờ khó hơn nhiều.

Tình hình trở nên phức tạp hơn vì cơ sở hạ tầng dưới nước thường xuyên đi qua vùng biển quốc tế, dẫn đến vướng mắc về khung pháp lý cũng như triển khai công tác ứng phó

Cùng với đó, NATO lo ngại Nga có các đơn vị chuyên khảo sát cơ sở hạ tầng dưới biển. Điển hình, Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu, được gọi là GUGI, chuyên vận hành các tàu ngầm, tàu nổi và tàu lặn không người lái chuyên dụng

Các tàu GUGI đã được phát hiện gần cơ sở hạ tầng dưới nước trong những năm gần đây. Hồi tháng 5-2023, ông David Cattler, Giám đốc tình báo của NATO cho biết, Nga đang “tích cực lập bản đồ cơ sở hạ tầng quan trọng của NATO”.

“Mọi người đều nói về không gian và không gian mạng. Nhưng tôi sẽ bổ sung thêm chiến tranh dưới đáy biển là thách thức an ninh mới. Đáy biển giờ đây có thể là một mặt trận khác mà NATO phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó”, Đô đốc Ben Key của Hải quân Hoàng gia Anh nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hai-quan-nato-va-moi-lo-chien-tranh-duoi-day-bien-post559805.antd