Hải quan ngăn chặn có hiệu quả tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia

Sừng tê giác ngụy trang trong thạch cao được vận chuyển bằng máy bay; ngà voi, vảy tê tê cất giấu trong nhựa đường… là hai trong số nhiều chiêu thức tinh vi của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia hòng qua mắt lực lượng chức năng, nhưng đã bị lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ kịp thời.

Vụ bắt giữ hơn 9 tấn ngà voi do Hải quan Đà Nẵng và các lực lượng chức năng thực hiện tháng 3/2019. Ảnh: Quang Sơn (Hải quan Đà Nẵng).

Vụ bắt giữ hơn 9 tấn ngà voi do Hải quan Đà Nẵng và các lực lượng chức năng thực hiện tháng 3/2019. Ảnh: Quang Sơn (Hải quan Đà Nẵng).

Những vụ án “khủng”

“Vụ bắt giữ ngà voi lớn nhất”, “bắt giữ vảy tê tê lớn nhất”… là những cụm từ được các cơ quan báo chí, truyền thông sử dụng nhiều trong thời gian qua khi đề cập đến thành tích bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã do lực lượng Hải quan thực hiện.

Điển hình, ngày 25/3/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì bắt giữ hơn 8 tấn vảy tê tê cất giấu trong các bao hạt muồng tại khu vực cảng Hải Phòng. Tiếp đó, ngày 26/3, Cục Hải quan Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ hơn 9 tấn ngà voi vận chuyển từ châu Phi về cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS. Đặng Tất Thế- Trưởng phòng Hệ thống học phân tử và Di truyền bảo tồn (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)- chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực động thực vật hoang dã cho biết, từ trước đến nay tại Việt Nam chưa từng ghi nhận vụ bắt giữ ngà voi nào có trọng lượng hơn 9 tấn trở lên như vụ việc tại Đà Nẵng và vụ bắt giữ hơn 8 tấn vảy tê tê tại cảng Hải Phòng.

“Thậm chí từ trước đến nay trên thế giới cũng chưa ghi nhận một vụ bắt giữ ngà voi nào có trọng lượng tang vật nhiều như vậy”- TS. Đặng Tất Thế nói thêm.

Theo TS. Đặng Tất Thế, hiện các loại ngà voi (trừ ngà của voi Ma mút đã bị tuyệt chủng hàng nghìn năm) và vảy tê tê đều bị cấm buôn bán theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm buôn bán động, thực vận hoang dã xuyên quốc gia, thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp như: Tăng cường trao đổi hợp tác và trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để kiểm soát và ngăn chặn những hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài hoang dã ở khu vực biên giới. Chú trọng xây dựng đầu mối điều phối hoạt động này tại các địa bàn trọng điểm, đầu mối trao đổi thông tin thường xuyên về tội phạm trong lĩnh vực này ở các nước láng giềng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về thông tin xác minh, điều tra. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ kiểm tra kiểm soát hải quan; đào tạo đội ngũ tuần tra, kiểm soát trở thành lực lượng tinh nhuệ, hiện đại: Tiến hành tập huấn hàng năm về động, thực vật hoang dã cho các cơ quan thực thi pháp luật (nhận dạng loài, áp dụng CITES, các xu hướng và thủ đoạn buôn lậu, luật pháp liên quan mới ban hành). Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, trong đó có vai trò của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội...

Chính vì vậy, không chỉ 2 vụ việc “khủng” nêu trên, theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn Ngành đã chủ trì bắt giữ 28 vụ, khởi tố 4 vụ liên quan mặt hàng động, thực vật hoang dã, đồng thời một số vụ việc khác đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Các vụ việc lớn khác có thể kể đến như: Ngày 25/1, Cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ hơn 2 tấn ngà voi, vảy tê tê nhập lậu (trong đó có khoảng 500 kg ngà voi); ngày 17/4, Hải quan Hải Phòng chủ trì bắt giữ gần 7,5 tấn ngà voi, vảy tê tê cất giấu trong nhựa đường, trong đó có gần 3,5 tấn ngà voi; ngày 25/7, tại kho hàng của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS), Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hà Nội) phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài và các lực lượng chức năng bắt giữ 125,15 kg sừng tê giác…

Tang vật hơn 8 tấn vảy tê tê được bắt giữ tại Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Tích cực tham gia mạng lưới đấu tranh toàn cầu

Thời gian qua, với quyết tâm cao cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, lực lượng kiểm soát Hải quan đã bắt giữ được nhiều vụ việc lớn, gây được nhiều tiếng vang trong nước cũng như cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, Hải quan Việt Nam đã tham gia tích cực vào các chiến dịch, dự án về chống buôn bán các loài hoang dã.

Điển hình như Dự án Savannah - là sáng kiến hợp tác giữa hai cơ quan Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc về đấu tranh chống vận chuyển trái phép các loài hoang dã thuộc danh mục Công ước CITES. Hiện đang xây dựng Kế hoạch hành động hai nước ba bên Việt Nam - Trung Quốc - Hồng Kông (Trung Quốc) trong đấu tranh, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã xuyên biên giới.

Năm 2019, Hải quan Việt Nam là đầu mối quốc gia tham gia Chiến dịch Praesidio về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) phát động. Đây cũng là chiến dịch làm tiền đề cho Chiến dịch Thunderball diễn ra vào tháng 6/2019 cùng với sự tham gia của khoảng 100 nước trên thế giới.

Hải quan Việt Nam thường xuyên có các cuộc họp thường niên, tiếp xã giao các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế thuộc các quốc gia nằm trong tuyến đường có hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã diễn biến phức tạp trên thế giới như Nigeria, Vương quốc Anh... Hải quan Việt Nam cũng xây dựng và ban hành thành công cuốn cẩm nang hướng dẫn nhận dạng các loài tê tê, nhận dạng các sản phẩm từ động vật hoang dã bị buôn bán phổ biến ở Việt Nam để trang bị cho các đơn vị Hải quan địa phương làm tài liệu tra cứu tại chỗ nhằm nhận dạng nhanh chóng, chính xác tang vật vi phạm…

Còn nhiều thách thức

Mặc dù liên tiếp triệt phá nhiều vụ việc nổi cộm, tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là, các đối tượng sử dụng thủ đoạn để buôn lậu và vận chuyển trái phép động vật hoang dã ngày càng tinh vi thông qua thay đổi doanh nghiệp để nhập khẩu; thường xuyên thay đổi các địa điểm tập kết, kho bãi, hoạt động không theo quy luật và không cố định.

Công tác giám định tốn kém, đôi khi gặp khó khăn do trong một số trường hợp tang vật có số lượng ít , không đủ làm mẫu vật.

Đặc biệt, quy định về thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Trên thực tế khi phát hiện những hành vi vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho Cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm…

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hai-quan-ngan-chan-co-hieu-qua-toi-pham-buon-ban-dong-vat-hoang-da-xuyen-quoc-gia-115072.html