Hải quân Philippines phóng quả tên lửa đầu tiên trong lịch sử

Chiến hạm Philippines đã phóng một tên lửa Spike-ER, quả tên lửa đầu tiên trong lịch sử hải quân nước này, tại một khu vực trên Biển Đông.

Theo tin đưa của Oriental Network ngày 10 tháng 8 cho biết, Hải quân Philippines công bố rằng, vào ngày 9/8, một chiếc tàu tấn công đa mục đích (MPAC) của Hải quân Philippines đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm ngắn "Spike-ER" do Israel chế tạo.

Phát ngôn viên Hải quân Philippines Jonathan Zata nói rằng, một chiếc tàu tấn công đa mục đích của hải quân nước này đã bắn thử tên lửa chống hạm/đối đất tầm ngắn "Spike-ER" mới được trang bị trong thời gian gần đây được, ở Lamao Point, thuộc vùng biển phía đông của tỉnh Bataan.

Quả tên lửa đã đánh trúng và phá hủy mục tiêu dự kiến cách địa điểm phóng khoảng 6 km, bất chấp việc điều kiện thử nghiệm trên biển vô cùng khắc nghiệt, với mức sóng cao hơn 1m. Tuy nhiên, đây vẫn là một điều kiện phóng bình thường đối với loại tên lửa này - đại diện hải quân Philippines Jonathan Zata cho hay.

Sata cho biết, vụ phóng thử tên lửa nhằm mục đích ngiệm thu lô tên lửa mà nước này đã tiếp nhận từ Israel hồi tháng 5 vừa qua. Sau khi nhận, hải quân Philippines đã tiến hành tích hợp vũ khí mới cho một tàu MPAC Mark III, theo sự chỉ dẫn của nhà cung cấp Rafael của Israel.

Sau vụ thử nghiệm thành công này, Hải quân Philippines sẽ tiếp tục trang bị cho ba tàu tấn công đa mục đích của nước này. Ngoài ra, Hải quân nước này cũng dự định triển khai một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật, với sự hiện diện của Tổng thống Duterte.

Một quan chức cấp cao Philippines giấu tên nhận định, vụ phóng thử thành công đánh dấu sự kiện lần đầu tiên hải quân nước này sở hữu và có năng lực phóng tên lửa trên biển.

Vụ thử nghiệm của Spike ER diễn ra chỉ ít tuần sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi quốc gia, trước những tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc.

Philippines đã kí với Israel một thỏa thuận trị giá 11,6 triệu USD nhằm mua các giá phóng và một lô tên lửa Spike ER để trang bị lên các tàu chiến đa nhiệm cỡ nhỏ. Mục tiêu của của Spike ER có thể là bất kì loại tàu chiến mặt nước nào.

Theo website của nhà sản xuất Rafael, tên lửa đa nhiệm đối hải/đối đất Spike-ER là một yếu tố cấu thành của hệ thống Typhoon MLS-ER. Hệ thống Typhoon MLS-ER bao gồm giá phóng, tên lửa đối hải Spike-ER, cảm biến và hệ thống kiểm soát hỏa lực.

Trước khi có các tàu hộ tống hạng trung, Philippines tạm hài lòng với các tàu MPAC trang bị tên lửa Spike-ER

Trước khi có các tàu hộ tống hạng trung, Philippines tạm hài lòng với các tàu MPAC trang bị tên lửa Spike-ER

Tên lửa có tầm bắn tối đa 8 km, có thể chống tàu chiến hoặc xe tăng. Nó được trang bị trên các tàu chiến, xe chiến đấu và cả trực thăng vũ trang, với tính năng được đánh giá là vượt trội các hệ thống đồng hạng trên thế giới.

Nhược điểm duy nhất của Spike là giá đắt. Một phát bắn Spike-ER trung bình sẽ mất tổng chi phí khoảng 250.000 USD.

Philippines hiện đang có kế hoạch dành 125 tỉ peso (2,41 tỉ USD) trong vòng 5 năm tới để mua các loại tàu chiến hạng trung, máy bay không người lái, máy bay huấn luyện-chiến đấu, radar đối hải, trực thăng và máy bay do thám để củng cố khả năng tác chiến trên Biển Đông.

Để nâng cao khả năng tác chiến trên Biển Đông, Philippines đã ký một hợp đồng trị giá trị giá 337 triệu USD với Tập đoàn công nghiệp nặng Huyndai (HHI) của Hàn Quốc, để đặt mua hai tàu hộ tống hạng trung, được trang bị các tên lửa tầm xa và hiện đại hơn.

Được biết, HHI sẽ bán cho Philippines 2 tàu hộ tống được thiết kế phần lớn dựa trên tàu khu trục lớp HDF-3000 của Hyundai. Lớp tàu này cũng từng được sử dụng làm nền tảng đóng tàu hộ vệ tên lửa hiện đại thuộc lớp Incheon của Hải quân Hàn Quốc.

Theo thỏa thuận, mỗi tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn khoảng 2.600 tấn, dài 107m và rộng 11,2m, trang bị hệ thống động cơ đẩy kết hợp diesel-diesel (CODAD). Vận tốc tối đa của các tàu hộ tống mới này là 46km/giờ, trong khi tầm hoạt động tiêu chuẩn là hơn 7.200km.

Tàu được trang bị tên lửa, ngư lôi, súng, cảm biến điện tử cho phép nó có đầy đủ năng lực tác chiến phòng không, chống hạm và chống ngầm.

Theo tiêu chuẩn của Hải quân Hàn Quốc, chiến hạm mới của Philippines có thể được trang bị 8 tên lửa chống hạm SSM-700K Hae Sung, tầm bắn 160 km hoặc tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ.

Quá trình chuyển giao dự kiến bắt đầu vào năm 2020. Đến khi đó, mặc dù đã sở hữu những chiến hạm hiện đại hơn, mạnh mẽ hơn; nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để giúp Philippines thoát khỏi vị thế của lực lượng hải quân yếu kém nhất khu vực.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/hai-quan-philippines-phong-qua-ten-lua-dau-tien-trong-lich-su-3363518/