Hải quan TP.HCM: Giải đáp nhiều vướng mắc từ Nghị định 59 và Thông tư 39 cho DN gia công

Ngày 30/7, tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp (DN) làm hàng gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK), Cục Hải quan TP.HCM đã hướng dẫn và giải đáp nhiều nội dung vướng mắc khi thực hiện Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC liên quan đến lĩnh vực gia công, SXXK.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công cam kết tạo thuận lợi nhất cho DN. Ảnh: T.H

Ông Lê Đình Thuật, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công cho biết, trong thời gian qua, nhiều văn bản mới liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa đã có hiệu lực, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công đã triển khai thực hiện, đồng thời hướng dẫn cụ thể cho DN. Với loại hình đặc thù của lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu, các văn bản mới có nhiều quy định tạo điều kiện rất thông thoáng cho DN, hội nghị này, cơ quan Hải quan hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc phát sinh cho DN, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Hướng dẫn chi tiết những nội dung mới quy định tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC liên quan đến lĩnh vực gia công, đại diện Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công lưu ý các doanh nghiệp về nội dung khai bổ sung và hủy tờ khai hải quan được quy định rất cụ thể trong Thông tư 39, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để thực hiện, tránh phát sinh sai sót không đáng có. Trong đó, DN cần hết sức lưu ý về định mức và báo cáo quyết toán khi thực hiện hợp đồng gia công, SXXK.

Có rất nhiều điểm mới quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Theo đó, đối với trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng thay cho hóa đơn thương mại.

Trả lời vướng mắc của một số DN về mã định danh đối với hàng xuất khẩu, ông Lê Văn Triến, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý- Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, đối với loại hình xuất khẩu bình thường, DN vẫn nên khai mã định danh, bởi vì hiện nay cơ quan Hải quan đang triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động, tại các cảng biển, sắp tới sẽ triển khai tại cửa khẩu hàng không, chuyển phát nhanh, việc khai mã định danh hàng xuất khẩu phục vụ cho công tác quản lý, thông quan hàng trên hệ thống tự động.

Vướng mắc của Công ty giày Thái Hòa về việc có phải thông báo phụ lục hợp đồng gia công cho cơ quan Hải quan hay không sau khi đã thông báo hợp đồng gia công, ông Phan Tấn Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công cho biết, theo quy định tại điểm 2, khoản 36 Điều 1, Thông tư 39, bất cứ có sự thay đổi nào trong thực hiện hợp đồng gia công, DN phải thông báo cho cơ quan Hải quan. Như vậy, doanh nghiệp phải khai bổ sung phụ lục hợp đồng gia công khi có phát sinh.

Đại diện Công ty may Hữu Nghị nêu vướng mắc tại hội nghị. Ảnh: T.H

Công ty TNHH SX và TM Bàn tay Việt đặt câu hỏi, DN ký 1 phụ lục hợp đồng gia công với bên thuê gia công về việc tăng thêm số lượng nguyên liệu trên hợp đồng gia công. Trên mục phụ kiện phần mềm VNACCS không có tiêu chí tăng thêm số lượng để khai báo, vậy thực hiện như thế nào.

Trả lời câu hỏi của DN, ông Phan Tấn Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công giải thích: Hệ thống VNACCS không chấp nhận việc khai tăng số lượng của mã nguyên liệu đã khai báo. Trường hợp công ty có ký thêm phụ lục hợp đồng gia công với bên đối tác về việc tăng thêm số lượng nguyên liệu trên Hợp đồng gia công thì thực hiện thông báo phụ lục hợp đồng gia công theo quy định tại điểm 2, khoản 36, Điều 1 của Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018. (Hệ thống chỉ chấp nhận đối với mã nguyên liệu mới).

Về vướng mắc của DN này khi hết hạn hợp đồng gia công mà không còn nguyên liệu thừa, ông Phan Tấn Hồng giải thích, theo khoản 42, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung điểm 1, Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện, tổ chức, cá nhân phải hoàn thành việc thực hiện các thủ tục giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn và sản phẩm gia công theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Vì vậy, công ty không phải thực hiện thủ tục thông báo phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm theo mẫu số 17/XL-HĐGC/GSQL như trước đây.

Trả lời vướng mắc của Công ty May Hữu Nghị về định mức tiêu hao phế phẩm phế liệu, ông Phan Tấn Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý hàng gia công cho biết, theo quy định tại Thông tư 39, đối với định mức tiêu hao hàng gia công, SXXK, cơ quan Hải quan kiểm tra định mức tiêu hao thực tế căn cứ trên báo cáo quyết toán của DN. Chậm nhất trong 30 ngày sau khi kết thúc hợp đồng gia công, DN phải thông báo cho cơ quan Hải quan các hình thức tiêu hao nguyên phụ liệu để cơ quan Hải quan có căn cứ kiểm tra.

Tại hội nghị, đại diện các phòng chức năng của Cục Hải quan TP.HCM cũng giải đáp cho DN các vướng mắc liên quan đến công tác giám sát, thuế XNK...; đồng thời ghi nhận một số vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến chính sách thuế để báo cáo, xin ý kiến Tổng cục Hải quan tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM sắp tới./.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hai-quan-tp-hcm-giai-dap-nhieu-vuong-mac-tu-nghi-dinh-59-va-thong-tu-39-cho-dn-gia-cong.aspx