Hai sáng chế thiết thực của học sinh THPT

Thời gian qua, học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có nhiều sáng chế thiết thực phục vụ cuộc sống, góp phần lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học, triển khai các ý tưởng mới trong nhà trường.

Sản phẩm bôi da từ lá đào

Đam mê nghiên cứu lĩnh vực hóa sinh, nhóm học sinh: Nguyễn Thị Tâm Anh và Đinh Khánh Linh, lớp 11A5, Trường THPT Tân Yên số 1 đã vinh dự được trao giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022 - 2023.

Vốn là học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên, ngay từ khi vào lớp 10, hai nữ sinh chọn thi khối B nên đã miệt mài học tập, nghiên cứu sâu các môn Hóa học và Sinh học. Với ý tưởng tìm kiếm phương pháp điều trị mới từ thiên nhiên có tác dụng như thuốc nhưng ít tác dụng phụ, các em đã tìm hiểu nhiều loại cây lá trong vườn nhà. Em Đinh Khánh Linh cho biết: “Từ kinh nghiệm dân gian, chúng em nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và tạo ra chế phẩm bôi da từ lá đào thu hái ở Bắc Giang”.

Nắm được thành phần trong lá đào có tính kháng khuẩn, kháng viêm cao, nhóm nữ sinh đã đề xuất quy trình chế tạo kem bôi da chiết xuất từ lá đào. Sản phẩm được bào chế dưới dạng kem bôi từ cao lá đào có tác dụng chống viêm, giảm đau để điều trị một số bệnh ngoài da như: Hắc lào, ghẻ, viêm da cơ địa và đã được nghiên cứu thử nghiệm độc tính trường diễn và bán trường diễn cho kết quả không gây hại trên cơ thể.

Nhóm học sinh Trường THPT Tân Yên số 1 thử nghiệm bào chế sản phẩm bôi da từ lá đào.

Để có được sản phẩm, sau giờ học, hai nữ sinh thu hoạch lá đào, phơi khô, cắt nhỏ để chiết xuất hoạt chất, sau đó cô đặc pha trộn với kem vaseline được mua từ Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y). Chế phẩm tiện dùng và hiệu quả cao hơn so với việc sử dụng lá đào đun nước tắm như kinh nghiệm dân gian.

Đây là đề tài có tính ứng dụng thực tiễn, được nhóm tác giả nghiên cứu, thực hiện tại phòng thí nghiệm của nhà trường dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy giáo Đồng Đức Thiện, giáo viên Hóa học. Tháng 2/2023, sản phẩm kem bôi da chiết xuất từ lá đào của nhóm tác giả đã được Trung tâm Kiểm nghiệm Bắc Giang (Sở Y tế) công bố đạt tiêu chuẩn hóa mỹ phẩm. Thầy giáo Đồng Đức Thiện cho biết: “Các em rất chủ động, sáng tạo, biết phân chia hợp lý thời gian nghiên cứu và học tập. Nhiều hôm, dù đã muộn song các em vẫn nhắn tin, gọi điện để hỏi cặn kẽ hơn và trình bày những ý tưởng, phát hiện mới trong quá trình nghiên cứu, phát triển đề tài”.

Em Nguyễn Thị Tâm Anh cho biết: Hướng phát triển tiếp theo của đề tài là tiếp tục thử nghiệm hoạt tính kháng tế bào ung thư như: Ung thư da, ung thư máu, ung thư biểu mô.

Tìm ánh sáng cho người khiếm thị

Chia sẻ khó khăn với người khiếm thị, hai em Trần Phương Thảo, lớp 12A1 và Nguyễn Đình Thi, lớp 10A4, Trường THPT Lục Ngạn số 1 đã chế tạo “Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm đồ vật cho người khiếm thị sử dụng trí tuệ nhân tạo AI”. Thiết bị được tạo ra dựa trên kiến thức vật lý, tin học (kỹ thuật số) để nhận diện hình ảnh nhanh, chính xác các đồ vật xung quanh. Khi cần tìm, người khiếm thị sẽ gọi tên để thiết bị tự phát tín hiệu nhận diện giúp người dùng xác định được hướng di chuyển, tránh vật cản.

Đây là thiết bị thông minh sử dụng phần mềm trí tuệ đòi hỏi các em phải nghiên cứu sâu dựa trên các thuật toán về hệ điều hành nên giáo viên cũng chỉ hướng dẫn được một phần, còn chủ yếu các em tự tìm hòi, sáng tạo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tài liệu về phát triển trí tuệ nhân tạo chưa phong phú nên hai em phải tự nghiên cứu tài liệu nước ngoài. Điều thuận lợi là vốn tiếng Anh của các em khá tốt nên đã tự học, tự nghiên cứu mở rộng kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu. Nhà trường tạo điều kiện cho các em thực hành tại phòng chức năng, cử thầy giáo Đặng Vũ Hải hỗ trợ xây dựng hệ thống thu, phát tín hiệu.

Nhóm học sinh Trường THPT Lục Ngạn số 1 giới thiệu về thiết bị hỗ trợ tìm kiếm đồ vật cho người khiếm thị sử dụng trí tuệ nhân tạo AI.

Theo em Trần Phương Thảo, trong một năm thực hiện, nhóm tác giả liên tục nâng cấp thiết bị, từ phiên bản thứ nhất đến phiên bản thứ 3 đã tối ưu được kích thước nhỏ gọn và tích hợp thành công việc thu âm trực tiếp trên thiết bị, phù hợp với người Việt Nam. Điều hạnh phúc nhất là sản phẩm được hội viên Hội Người mù tỉnh đánh giá cao về hiệu quả hỗ trợ việc định vị đồ dùng cá nhân.

Tháng 12/2022, dự án của các em tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 và vinh dự được trao giải Nhất. Trong thời gian tới, nhóm tác giả tiếp tục phát triển đề tài theo hướng cải tiến thiết bị để nhận dạng được nhiều đồ vật hơn và đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế.

Trước đó, khi học lớp 11, em Trần Phương Thảo cùng nhóm học sinh Trường THPT Lục Ngạn số 1 đã được trao giải Ba tại cuộc thi Sáng kiến bảo vệ hành tinh xanh lần thứ 2 do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại học Deakin (Australia) tổ chức với đề tài “Thiết kế mô hình cây nhân tạo cho đô thị”. Nữ sinh đã đại diện cho nhóm tác giả thuyết trình bảo vệ đề tài bằng tiếng Anh. Mùa hè năm 2022, Thảo là một trong hai học sinh đại diện cho Việt Nam tham dự giao lưu trải nghiệm khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học được tổ chức tại Mỹ.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/399728/hai-sang-che-thiet-thuc-cua-hoc-sinh-thpt.html