Hai tâm hồn đồng điệu

Làng Phú Xá, quận Tây Hồ nổi tiếng với nghề nấu xôi truyền thống làm nên một món ngon của vùng đất ven đô Hà Nội, cũng là nơi có nhiều sự kiện gắn liền với lịch sử hào hùng của đất nước, của Thăng Long Hà Nội. Không chỉ có vậy, nơi đây còn có khu di tích lăng mộ của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và chồng bà là tiến sĩ Nguyễn Kiều, là một di tích lịch sử danh nhân cấp quốc gia.

Tranh minh họa: Nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm. Nguồn: Internet.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với tác phẩm Chinh phụ ngâm (Nỗi lòng người chinh phụ) diễn nôm từ bản chữ Hán của Đặng Trần Côn, đã đưa tên tuổi của bà lên hàng danh nhân văn hóa của đất Việt. Là người toàn vẹn công dung ngôn hạnh, tài văn thơ, học vấn uyên bác và cả sự nỗ lực đảm đương trọng trách gánh vác gia đình thay cho cha và anh mất sớm, đã làm nên chân dung người tài nữ được người đương thời và hậu thế kính phục.

Nếu tác phẩm Chinh phụ ngâm được diễn ca trong 412 câu thơ thể song thất lục bát, thì chân dung nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã được phác họa chỉ với 4 chữ Một Điểm tài hoa (tựa đề cuốn sách của nhà nghiên cứu văn học, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh). Nói về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thì không thể không nói đến chồng của bà là tiến sĩ Nguyễn Kiều (tự Hạo Hiên). Ông nổi tiếng với tài học hơn người, sớm đỗ đạt khoa bảng, rất giỏi thi thơ (tập thơ Sứ Hoa tùng vịnh và Hạo Hiên thi tập còn lưu truyền đến ngày nay), phụng sự qua 7 đời vua Lê, làm quan đến chức phó tể tướng dưới triều vua Lê Dụ Tông, luôn trung nghĩa với vua với nước, xông pha trận mạc giúp nước nhà giữ yên bờ cõi. Ông còn là người mở rộng đất cư trú và canh tác ở một vùng ven đô, lập làng, xây đình, lập ban thờ tiên công, giúp dân làm ăn có cuộc sống no ấm, được người dân Phú Xá tôn làm thành hoàng làng.

Cuộc sống vợ chồng tâm đầu ý hợp, hai con người với tâm hồn đồng điệu là khởi nguồn cho sự ra đời của áng trường ca bất hủ Chinh phụ ngâm. Nỗi niềm nhớ nhung, lo lắng khôn nguôi khi chồng đi sứ Mãn Thanh đã khiến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dồn hết tâm lực, cảm xúc tâm hồn của mình diễn nôm tác phẩm chữ Hán Chinh phụ ngâm. Vì vậy, có thể nói rằng nếu như không có sự tương tác của tiến sĩ Nguyễn Kiều thì rất có thể nền văn học Việt Nam đã không có Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, hoặc Chinh phụ ngâm không thể đạt được một đỉnh cao của thi ca Việt Nam thế kỷ XVIII.

Hai vợ chồng nữ sĩ – tiến sĩ;hai con người tài hoa có tâm hồn đồng điệu, hội đủ tài năng, đức độ và những cống hiến để lại cho hậu thế những sáng tác thơ văn, những thành tựu lao động xây dựng quê hương Phú Xá ngày càng thêm giầu đẹp, xứng đáng là những danh nhân đất Việt.

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2020

Đ.K.C

Đoàn Kim Chi - Hậu duệ đời thứ 9 của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ở Giai Phạm

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hai-tam-hon-dong-dieu-81450