'Hái' tiền tỷ nhờ 'xoài Úc'

Người dân không thể cứ 'ôm' cây xoài địa phương mãi, để rồi sống trong cảnh túng thiếu quanh năm. Mọi sáng kiến đều bắt nguồn trên mâm cơm của họ. Từ kiến thức 'nền' do ông John trang bị, bà con đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm và tự chuyển đổi mô hình sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao.

Bài 2: Công nghệ chuyển đổi trên "ngọn cây"

Trong cơn mưa tầm tã sau Tết Đinh Dậu, tôi vẫn tìm đến vườn xoài của ông Đặng Đình Chiến, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ông đón tôi bằng những câu vừa tự hào, vừa than phiền: "Giống xoài này nó có khả năng "chịu" nắng nhiều, nhưng năm vừa rồi mưa lụt hoài, xoài trái vụ bán mấy ngày Tết hư hại nhiều lắm, thu về chẳng được bao nhiêu. Tết năm 2016, xoài bán đắt hơn cả tôm tươi, giá 130.000 đồng/kg. Một trái xoài nặng 1,6kg, trị giá 200.000 đồng. Đánh chiếc xe chở xoài xuống vựa là thu về mấy chục triệu đồng ngay. Vụ xoài năm 2017, không biết sao, tháng Giêng xoài trổ bông, nhưng mưa triền miên, trái sẽ hư nhiều. Rồi công việc ghép chồi giống cũng không làm được, trễ việc cung cấp cây giống cho bà con trong xã".

Nhờ áp dụng kỹ thuật ghép chồi và chăm sóc tốt, xoài Cam Lâm luôn đạt sản lượng cao nhất. Ảnh: Hải Luận

Nhà ai cũng "làm thầy"

Gia đình ông Chiến, mỗi năm thu 1 đến 2 tỷ đồng từ việc trồng xoài và ghép giống "xoài Úc" bán cho bà con trong vùng, góp phần tăng diện tích trồng “xoài Úc” lên hàng nghìn héc ta. Ông Chiến nhớ lại những ngày mò mẫm ban đầu: "Thời điểm đó, dân cả huyện này đâu có ai biết ghép mầm, ghép cành là gì. Lần mò vào trong Trung tâm Công nghệ cao xem người ta làm, rồi về làm thử. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, họ "phá" những cây xoài to chết cũng nhiều. Ai sáng dạ thì thành "thầy ghép", "thợ ghép" làm công cho người dân kiếm nhiều tiền lắm". "Số lượng thầy, thợ ghép xoài hiện nay có đông không?" - tôi hỏi thêm. Ông Chiến trả lời ngay: "Thợ ghép có mà đầy, nhà ai cũng tự ghép được rồi, họ còn đi ra làm "thầy" ở các huyện khác trong tỉnh".

"Phát minh" của người dân Cam Lâm đáng kính nể, thông thường chỉ ghép chồi xoài ở những cây non, khoảng 1 - 5 tuổi. Đằng này, những cây xoài địa phương có tuổi thọ mấy chục năm, tán cây bao phủ rộng 200m2 cũng cắt trụi để ghép giống "xoài Úc" lên. "Thấy năng suất và giá trị cây xoài quốc tế lớn quá, nên tôi "nhắm mắt" làm liều, những cây xoài canh nông cao 30m, tán rộng, thuê máy cưa lên hạ sạch, chỉ còn bộ gốc và những cành to bằng bắp đùi, cổ tay. Dân làng đi qua bảo "ông này điên rồi". Cha con tôi bắc thang lên ghép chồi chi chít, bây giờ cũng ra trái nhiều. "Chơi" loại cây to nguy hiểm lắm, nó dễ chết và tuổi thọ không cao. Cực chẳng đã mới chuyển đổi loại cây đó " - Ông Chiến bổ sung thêm câu chuyện khá thú vị.

Như đụng đến tâm can sâu thẳm của người nông dân, ông Nguyễn Thông Mẫn, dân trồng xoài thứ thiệt, xen vào: "Qua 6 năm trồng xoài ghép, tôi rút ra được 2 vấn đề mấu chốt nhất, quyết định thắng - thua trong trồng xoài. Trước đây, đại bộ phận dân trồng xoài ở Khánh Hòa phải "nhập" xoài ghép ở miền Tây về trồng. Họ làm theo kiểu "xoài hàng hóa" với số lượng nhiều, để cây to bằng ngón chân cái mới đưa vào bầu nilon, mới ghép cành. Bầu nilon nhỏ, họ cắt cái rễ cộc vứt để cho vừa cái bầu. Đến khi mình trồng xuống đất, cây chỉ mọc rễ chùm, dẫn đến cây yếu ớt dễ bị đổ, sản lượng xoài không cao". "Vậy ông khắc phục bằng cách nào?" - Tôi hỏi thêm.

Ông Mẫn dẫn tôi ra vườn ươm cây xoài giống chỉ cao 20cm giảng giải: "Loại cây nhỏ như thế này sẽ đưa vào bầu nilon "nuôi" một thời gian cho cây khỏe mạnh, rồi mình ghép cành các giống xoài lên. Với cách làm này, khi mình mang ra trồng, xoài phát triển nhanh, đặc biệt, rễ cọc sẽ cắm và ăn sâu xuống lòng đất, hút nước và chất dinh dưỡng. Cây khỏe mạnh, kháng được sâu bệnh, trái to, màu sắc đẹp, vị ngọt thanh đậm… Dân buôn tới vườn nhìn là "mê" ngay".

Ông Mai Xuân Thương, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Trung tâm chỉ ghép chồi cây vào trực tiếp đầu ngọn cây, chứ không ghép mầm như dân dưới miền Tây. Năm 2017, Trung tâm sẽ sản xuất ra 100.000 cây giống xoài Úc, cung cấp cho các tỉnh. Vẫn sợ không đáp ứng nổi nhu cầu của các địa phương đến đặt hàng".

Kỹ thuật ghép chồi giống "xoài Úc" đã phổ biến ở Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

"Ép" xoài ra hai vụ

Người nông dân hay bị cảnh "được mùa, mất giá", vùng xoài Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh bạt ngàn, nhiều vụ thu hoạch cũng phải bán đổ, bán tháo. Thậm chí giá rẻ bèo, chủ vườn không thèm hái, xoài rụng đầy dưới đất. Người dân "sáng kiến" làm "nghịch mùa" để tránh vào thời điểm mùa xoài ở miền Tây, miền Đông Nam bộ "đổ bộ" ra "đè" giá xoài Khánh Hòa xuống. "Xoài Úc" giá trị kinh tế cao, nên người dân chơi cả hai chiêu: "Nghịch vụ" và "ép" ra hai vụ. "Theo lịch, xoài chính vụ vào tháng 4, 5 (âm lịch), mình muốn làm "nghịch vụ" phải can thiệp vào cây xoài để nó nở hoa chậm lại hoặc nhanh hơn hai tháng, so với vụ chính" - Ông Chiến lý giải.

- Đặc tính sinh học cây trái theo mùa sinh trưởng của nó, sao mình lại làm "nghịch mùa" được?

- Được hết, mọi công nghệ chuyển đổi đều nằm trên "ngọn cây".

- Công nghệ trên "ngọn cây" là như thế nào?

- Nói cho dễ hiểu như thế này: Mình phải canh thời gian cắt cành để cho ra chồi mới. Khi tới thời điểm sử dụng dinh dưỡng "thúc" dưới gốc và trên lá, thậm chí còn "ép" cho ra hai vụ, vụ chính và vụ phụ "đụng" đến Tết Nguyên đán bán với giá cao. Mọi công đoạn, người nông dân phải theo dõi sát sao tình hình "sức khỏe" của cây, mới ra quyết định. Cũng có nhiều hộ không có kiến thức chuyển đổi, dẫn đến cây chết hàng loạt nên trắng tay.

"Xoài Úc" xuất khẩu nên rất cần đến màu sắc bên ngoài đỏ đẹp, nó sẽ quyết định giá cao hay thấp. Vì vậy, rất nhiều người chăm xoài rất kỹ lưỡng: "Lúc đầu xoài quốc tế ra trái đầy cành, sau thời gian nó bắt đầu "tách" quả, tự động loại dần dần, chỉ nuôi đúng 1 - 2 trái/cành nhỏ cho vừa sức. Một cây cần nuôi 100 trái đổ lại là vừa sức. Nếu mình chăm sóc tốt có sản lượng trên 100kg, giá bán trung bình hiện nay là 60.000 đồng/kg. Vị chi nắm trong tay 6 - 8 triệu đồng rồi" - Ông Trang Măng, xã Cam Hải Đông, tính toán rất chi tiết. Muốn có màu trái xoài quốc tế rực rỡ, sau mỗi lần mưa to, có người ra rung cây xoài để không có nước đọng lại lâu trên trái ảnh hưởng đến chất lượng. Tốt nhất dùng máy bơm nước xịt rửa trái ngay, vì trong nước mưa có chứa axít ảnh hưởng đến hoạt tính sinh học của hoa, trái.

Theo ông Mai Xuân Thương giống "xoài Úc" được thế giới xếp hạng "4 sao" cao nhất hiện nay. Người dân không nên "ép" xoài ra trái 2 vụ/năm, chất lượng quả xoài trái vụ không ngon, mặt khác, mất sức sinh trưởng và đề kháng của cây trồng.

Bài 3: "Đánh" gục nhau về giá

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hai-tien-ty-nho-xoai-uc-i8b/