Hai trận bóng và kỷ niệm huy hoàng trên SVĐ Hàng Đẫy sắp bị đập bỏ

Trước thời điểm SVĐ Hàng Đẫy bị đập bỏ sẽ diễn ra trận đấu lớn mang tầm quốc tế cuối cùng vào hôm nay (24/11) và cũng trên sân này, 20 năm về trước đã có một trận bóng thắng khiến cả triệu người hâm mộ nức nở.

Trận bóng lớn cuối cùng sau 60 năm xây sân

Lúc 19h30 hôm nay (24/11), đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Campuchia tại SVĐ Hàng Đẫy. Trận tranh tài được hàng triệu người hâm mộ chờ đón bởi nó mang tính quyết định để các cầu thủ của thầy trò Park đi tiếp vào vòng trong tại khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup 2018.

Cùng đó, trận bóng này cũng có thể là trận đấu mang tầm Quốc tế cuối cùng trước khi SVĐ Hàng Đẫy bị đập bỏ xây mới, hoàn thiện sứ mệnh 60 năm phục vụ bộ môn thể thao vua cũng như nhiều môn thể thao và nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Sân vận động Hàng Đẫy đã hoàn thành sứ mệnh sau 60 năm hoạt động.

Có mặt tại SVĐ Hàng Đẫy trước trận bóng, không khó để bắt gặp những người từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm tìm đến để nhìn ngắm sân trước khi biến mất.

Biết SVĐ sẽ tổ chức trận bóng cuối cùng, ông Nguyễn Văn Bắc (70 tuổi, từng làm nhân viên an ninh sân) đã phải lặn lội đạp xe gần 5km để nhìn ngắm cũng như nhớ lại những kỷ niệm.

Ông Bắc chia sẻ: “Hồi còn khỏe, tôi làm nhân viên đảm bảo công tác an ninh cho mỗi trận đấu tại sân. Hễ có bất cứ trận đấu nào trong nước hay các giải trong khu vực là tôi lại ra làm an ninh.

Dù thời thế đổi thay nhiều và mấy chục năm rồi không còn làm nữa nhưng trong lòng vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho nơi này”.

Ông Nguyễn Văn Bắc trước kia từng làm công tác an ninh tại SVĐ vui mừng khi sân sắp được xây mới.

Ông Bắc cũng cho rằng: “Nghe tin ngày 24 tới đội tuyển Việt Nam gặp tuyển Campuchia và là trận đấu cuối cùng tại đây trước khi sân bị đập đi xây mới tôi lập tức đến để ngắm lần cuối.

Nhìn sân cỏ, khán đài, những người bạn cũ và cả con đường Trịnh Hoài Đức, lòng tôi thấy bồi hồi lắm bởi nơi đó có cả tuổi trẻ của mình”.

Dù trong trận đấu cuối cùng này, ông Bắc rất muốn được có mặt tại sân nhưng do điều kiện không cho phép nên ông sẽ theo dõi trận đấu qua màn hình tivi.

Bà Vũ Thị Tâm cho biết, dù gắn bó cả cuộc đời với sân nhưng bản thân mong muốn sân xây mới khang trang, sạch đẹp và hoành tráng hơn.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Tâm (58 tuổi, trú tại ngõ 32B Hàng Bột) cho biết: “Từ lúc 5-6 tuổi, tôi đã cùng bạn bè hay lui ra khu vực cửa số 12 để vui chơi. Khi lớn lên 17,18 tuổi thì tôi bán nước ở khu vực này, rồi 15 năm gần đây bán bún sát sườn SVĐ”.

Dù gắn bó từ thủa thiếu thời, tuổi trẻ và chứng kiến biết bao trận đấu, biết bao niềm vui và những giọt nước mắt của người hâm mộ… nhưng cả ông Bắc, bà Tâm và rất nhiều người khác đều mừng vui khi sắp tới một SVĐ khang trang, hoành tráng được xây mới.

“Cũ quá và rất nhiều hạng mục xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu các trận bóng trong khu vực nên xây mới là điều đáng mừng”, ông Bắc nói.

“Ở SVĐ Hàng Đẫy nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nước mắt”

Ngồi trên khán đài 1 mình khi dưới sân các nhân viên đang gấp rút hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cùng cho trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp Campuchia, anh Nguyễn Văn Hà (SN 1983, trú tại phố Ngọc Hà) không khỏi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ.

Anh Hà nhớ như in cảm xúc khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 3 – 0 trước Thái Lan năm 1998.

“Bản thân từ nhỏ đã thích bóng đá nên trước kia hễ có điều kiện là tôi đi xem các đội thi đấu giải trong nước thuộc các câu lạc bộ với nhau. Có những giải tôi không bỏ lỡ trận nào khi tổ chức tại SVĐ Hàng Đẫy và SVĐ Mỹ Đình.

Với tôi, SVĐ Hàng Đẫy như một nơi ghi dấu những kỷ niệm khó phai bởi ở đây có quá nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nước mắt”, anh Hà kể.

Anh Hà cho biết, chắc chắn bản thân anh cũng như rất nhiều người không thể quên trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan tại Tiger Cup 1998 (tiền thân là giải AFF Suzuki Cup hiện nay). Đây là lần đầu tiên Việt Nam giành chiến thắng 3 – 0 vang dội trước Thái Lan vào tối 3/9/1998.

“Tôi nhớ hôm ấy SVĐ Hàng Đẫy chật kín không còn bất cứ chỗ nào trống, lượng khán giả của Việt Nam chiếm đến trên 90%. Ba cầu thủ sút tung lưới đội bóng Thái Lan là Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hồng Sơn, Văn Sỹ Hùng”, anh Hà nhớ lại.

Nói về cảm xúc của trận bóng lịch sử ấy, anh Hà vui mừng kể: “Thời đó chúng tôi đi cổ vũ vẫn có cờ, băng-rôn, trống nên mỗi lần các cầu thủ ghi bàn chúng tôi như vỡ òa cảm xúc, thậm chí khi tiếng còi kết thúc trận đấu chúng tôi đã ôm nhau ăn mừng dù trước đó chẳng hề quen biết”.

Trận đấu cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 24/11 và không lâu sau sân được đập đi xây mới.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bắc: “Chưa khi nào tôi thấy người hâm mộ lại vui mừng trước trận đấu quá tuyệt vời của thế hệ các cầu thủ “vàng” của chúng ta đến thế”.

Ấy thế nhưng SVĐ Hàng Đẫy cũng là nơi chứng kiến biết bao nước mắt của cầu thủ và người hâm mộ bởi tại Tiger Cup năm ấy, đội tuyển của chúng ta không thể giành huy chương vàng mà phải nhường lại ngôi quán quân cho đội tuyển Singapore.

Giành huy chương bạc, một thành tích không nhỏ so với trình độ trong khu vực thời đó, thế nhưng đó vẫn là sự nuối tiếc chưa bao giờ nguôi của nền bóng đá nước nhà.

“Tôi và rất nhiều người mong đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trước đội Campuchia xem như một lời từ biệt với Hàng Đẫy và đó cũng là tấm vé để các cầu thủ tiến vào vòng trong của AFF Cup”, anh Hà nói.

SVĐ Hàng Đẫy tiền thân là Trường thể dục Hà Nội ra đời năm 1934 với mục đích khuyến khích thanh niên Hà Nội tập luyện thể dục thể thao. Lúc bấy giờ tại đây xuất hiện một quần thể với khán đài rộng chỉ 252m2, sức chứa 400 chỗ ngồi.

Khi Thủ đô được giải phóng (1954), sân Hàng Đẫy mới chính thức ra đời. Sân Hàng Đẫy được khởi công vào ngày 16/2/1957. Sau quãng thời gian thi công thần tốc, sân được khánh thành vào ngày 24/8/1958, với diện tích gần 21.900m2, bao bọc bởi tường cao có 14 cửa nhỏ và 3 cửa lớn.

Mộc Trà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hai-tran-bong-va-ky-niem-huy-hoang-tren-svd-hang-day-sap-bi-dap-bo-20181123074222971.htm