Hai trẻ bị que xiên thức ăn chọc thủng mắt

Trong 3 ngày qua, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tiếp nhận 2 ca tổn thương mắt nặng do que nhọn đâm vào.

Ngày 11/9, bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu Trang - Trưởng khoa Mắt Nhi - Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết, trong 3 ngày qua, bệnh viện tiếp nhận 2 ca tổn thương mắt rất nặng do que nhọn đâm vào.

Cũng trong sáng 11/9, các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tiến hành phẫu thuật lấy cây xiên ra khỏi mắt trái cho bé trai V.V.Q.H. (4 tuổi, ngụ Châu Đốc, An Giang). Bé H. nhập viện lúc tối ngày 10/9 trong tình trạng que xiên thịt cắm sâu vào hốc mắt trái.

Bé 4 tuổi bị xiên thịt đâm vào mắt.

Gia đình bé H. cho biết, ngày 10/9, trong lúc bước xuống cầu thang, bé H. có cầm xiên thịt ăn và không may bé H. bị vấp té. Khi té, bé H. bị chiếc que xiên thịt đâm vào hốc mắt. Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình đưa bé đến cấp cứu tại Bệnh viện Châu Đốc, sau đó chuyển viện lên TP.HCM để các bác sĩ phẫu thuật lấy que xiên thịt ra khỏi mắt cho bé.

"Do que xiên thịt đâm sâu vào hốc mắt, tuy chưa làm thủng nhãn cầu nhưng gây tổn thương hốc mắt và tuyến lệ, nên có khả năng làm tổn thương tới xoang. Do đó, trước ca mổ, bệnh viện phải tiến hành hội chẩn chuyên khoa Tai Mũi Họng cho bệnh nhân. Chúng tôi sẽ khâu tuyến lệ, xử lý nhiễm trùng và theo dõi bé sau khi hoàn tất phẫu thuật", bác sĩ Trang chia sẻ.

Cây xiên thịt được lấy ra khỏi mắt bé.

Trường hợp thứ hai vào Bệnh viện Mắt TP.HCM cấp cứu do bị que xiên thịt đâm vào mắt là bé L.Đ.K. (5 tuổi, bé trai, ngụ Tuy Phong, Bình Thuận). Bé K. nhập viện vào sáng 8/9 trong tình trạng thủng giác mạc mắt trái.

Theo gia đình bé K., lúc 16 giờ ngày 8/9, bé cùng anh em họ trong nhà chơi bắn que (bẻ gập đôi que xiên cá bằng tre, kẹp vào một đầy cuối dây thun để bắn như bắn ná). Trong khi chơi, không may, một "viên đạn" que xiên đã bay tới găm thẳng vào nhãn cầu trái của bé. Gia đình đưa bé từ Bình Thuận vào thẳng TP.HCM để cấp cứu ngay trong đêm.

Bác sĩ đã tiến hành khâu giác mạc và theo dõi chặt tình trạng nhiễm trùng.

Cây xiên thit đâm vào mắt bé trai.

Theo bác sĩ Châu Trang, lo ngại nhất là mắt bé K. cũng như bé H. đều trong tình trạng viêm mủ nội nhãn (nhiễm trùng). Cả hai ca đều phải tiếp tục điều trị kháng sinh nội nhãn sau mổ. Việc đưa kháng sinh vào hốc mắt khá khó khăn. Bác sĩ chỉ cố gắng tránh tối đa nhiễm trùng để giữ lại mắt bảo đảm thẩm mỹ sau này.

Tiến Đạt

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/hai-tre-bi-que-xien-thuc-an-choc-thung-mat-c2a296691.html