Hải trình gian nan tàu lưới rê thả cờ trên biển Hoàng Sa

Một cơn gió mạnh lúc 1 giờ sáng đã đẩy cột cờ Tổ quốc trôi về phía mạn phải của con tàu. Chiếc tàu vận tải vận tải lớn chạy từ hướng nam vào và đảo hướng tránh những cột cờ Tổ quốc.

Cắm cờ trên biển là hình ảnh khó quên khi hải trình cùng ngư dân trên "tàu 67" của ngư dân Ngô Thanh Phong ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo dòng cá

Đã bước sang ngày thứ 3 của cuộc hành trình xuôi ngược giữa biển khơi. Những ngày hè nên biển khá bình lặng, nhưng thỉnh thoảng vẫn đột ngột xuất hiện những cơn giông tố không thể dự báo trước. Thuyền trưởng Ngô Thanh Phong và 8 ngư dân dự tính, nếu một vài đêm nữa mà chưa thu được nhiều cá thì đưa tàu đi về hướng đảo Đá Bắc hoặc đảo Cây, đảo Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân trên tàu cho biết, hàng đêm đánh lưới ở gần các đảo này và vẫn nghe âm thanh thi công ì ầm suốt đêm, đó là Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng trái phép các công trình trên đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cột cờ được kéo về tàu lúc bình minh

Đêm xuống, tàu vỏ thép Thành Công 01 vẫn tiếp tục hành trình trước khi vào phiên lưới. “Đồng đội ơi, đêm qua được mấy tấn, đủ gạo nấu không?”, tiếng ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi liên tục vang lên trong ca bin thay cho việc hỏi dò thông tin luồng cá, khi biết tin tàu đánh được nhiều cá thì các tàu bạn sẽ di chuyển lại gần. Giữa âm thanh ồn ào như vỡ chợ trên Icom là tiếng tàu ngược xuôi. Thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc tàu vỏ gỗ của Bình Định hối hả lướt qua bên cạnh. Cuộc sống trên biển, ban đêm thường tấp nập hơn rất nhiều so với ban ngày.

Ngư dân Lê Ngọc Quý đứng cạnh chùm cột cờ lưới và mặc chiếc túi nylon thay cho áo để chờ đánh lưới. Anh Quý có vóc người khỏe mạnh và thường ngồi lẳng lặng rít từng hơi thuốc với vẻ mặt trầm ngâm. Anh và cha từng có trong tay chiếc tàu câu mực công suất lớn đánh bắt ở vùng biển xa. Vào mùa đông năm 2016, con tàu chở 3 cha con bị sóng đánh tấp vào gò san hô ở đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa nên gia đình lâm cảnh trắng tay. Từ chủ tàu trở thành đi bạn, anh cho biết vẫn nuôi ý định vay mượn tiền để đóng tàu mới và làm lại từ đầu.

Khi tàu hành trình trên biển đêm, ca bin tàu vỏ gỗ thường chỉ để vài bóng đèn nhỏ, thuyền trưởng ngồi trong quay lái và nhìn vào những tín hiệu chớp nháy trên màn hình máy định vị và la bàn. Còn ca bin tàu vỏ thép thì nổi bật ở vẻ sang trọng và cách đánh bắt công nghiệp - cột đèn tín hiệu nhấp nháy các loại đèn mũi, đèn mạn, đèn sau và được bố trí theo đúng quy chuẩn của hàng hải quốc tế; đồng hồ hiện ra chỉ số vận hành của máy móc; hệ thống dây hơi thủy lực được chèn dọc theo lườn tàu để quay trục kéo lưới, điều khiển giàn cẩu bằng cần gạt và nút bấm thay cho việc sử dụng cơ bắp.

Mỗi khi ra khơi, thuyền trưởng tàu Thành Công 01 luôn tìm cách lập lại kỳ tích của mùa đông năm trước để chứng tỏ đẳng cấp tàu thép hơn hẳn tàu vỏ gỗ. Đó là khi trên biển báo gió thì tàu gỗ của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi tháo lui, còn tàu thép thì cứ từ đất liền ngược ra khơi. Những lá cờ Tổ quốc được thả xuống biển trong đêm giông gió nên khuất khỏi tầm mắt rất nhanh. Sáng hôm sau, cờ kéo về tàu ướt sũng nước. Có lá cờ chỉ sau vài đêm quăng quật với gió bão nên bị tưa hết các sợi vải. Nhưng đó là những đêm thu được bộn cá. Cá thu, cá ngừ, cá cờ nặng 20-40 kg được kéo lên đổ đầy sàn tàu. Chưa hết phiên biển, các ngư dân đã thu về gần 20 tấn cá xuất khẩu.

Tút… tút! Tiếng còi tàu vang lên đã “kéo” các ngư dân tập trung ra trước boong để chuẩn bị vào giờ buông lưới. Giàn lưới rê của "tàu 67" (tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP có chiều dài lên đến 14 km sắp sửa thực hiện một phiên lưới đáng đồng tiền bát gạo. Mỗi lần buông giàn lưới trị giá 1,8 tỷ đồng này, ngư dân phải mất 2 tiếng đồng hồ và mất 4 tiếng đồng hồ để kéo lên. Nếu mùa đông sóng gió và có nhiều cá thì thời gian kéo lưới sẽ dài hơn.

Thả cờ trong đêm

Chiếc tàu giảm tốc độ và phát ra một hồi còi, giàn lưới rê bắt đầu được thả xuống biển. Khi tàu đánh lưới thì ngư dân rất sợ lưới chạy ra phía sau đuôi tàu, vì lo ngại bị quấn vào chân vịt. Vì nếu chân vịt bị kẹt lúc trời đổ giông thì có thể bị lật tàu. Còn nghề lưới rê thì đi ngược lại cách đánh lưới truyền thống, đó là lưới chạy dọc theo thân sàn tàu, sau đó “trút” xuống ở phần sau đuôi tàu ngay gần chân vịt. Các ngư dân đứng dọc trên boong và thỉnh thoảng lại thả một cột cờ xuống biển để đánh dấu giàn lưới. Trong khuôn hình máy quay phim, những cột cờ này xếp thành một hàng dài thẳng tắp, trôi nhanh và biến mất trong màn đêm.

Tàu Thành Công 01 thả lưới và cột cờ xuống biển trong đêm

Trong ca bin, thuyền trưởng Ngô Thanh Phong di chuyển con trỏ trên màn hình chiếc máy dò quét rộng 14 inches để xác định tọa độ đánh cá và thả cờ trên biển đêm. Trên màn hình hiện ra rất nhiều lá cờ tổ quốc, anh Phong cho biết, mỗi tàu cá Việt Nam được hiển thì thành một lá cờ. Khi tàu nước ngoài hành trình thì máy định dạng sẽ hiện ra lá cờ Việt Nam tương ứng và họ sẽ phải vòng tránh.

Tàu hiện đại đánh bắt “chung sân” với tàu lạc hậu là một trở ngại. Tàu cá Thành Công 01 từng bị tàu giã cào kéo đứt lưới 2 lần ở đảo Lý Sơn, 2 lần ở vùng biển Đà Nẵng. Phiên biển vào cuối tháng 11/2016, tàu đánh bắt ở tọa độ 17 độ 50 vĩ độ bắc - 107 độ 58 phút kinh đông cũng bị tàu cá Trung Quốc băng qua kéo nát mất 16 tấm lưới mất gần 10 triệu đồng. Các ngư dân trên tàu cho biết, không phải chỉ tàu mình bị mà nhiều tàu lưới rê khác bị tàu giã cào của ngư dân Việt Nam kéo rách lưới. Vừa qua, tàu cá của ông Trần Công Chi ở Quảng Nam lên Icom kêu cứu vì bị tàu Trung Quốc kéo lưới, tàu của anh Phong chạy 12 hải lý tới ứng cứu thì tàu Trung Quốc bỏ chạy mất.

Tàu lưới rê có mắt lưới thưa hơn mắt võng nên chỉ dính cá lớn và không đánh bắt kiểu tận diệt

Gần 3 giờ sáng, tôi lặng lẽ đi dọc boong tàu. Con tàu thép hoạt động không tải, thân tàu rung nhẹ dưới sức quay của cỗ máy Yanmar có công suất 822 mã lực. Do nước chảy mạnh và gió thổi nên một cột cờ trôi về gần phía tàu và tung bay dưới ánh trăng đang nhô trên bầu trời quang mây. Trong ca bin tàu, màn hình định dạng hiện ra chiếc tàu vận tải Panama đang hành trình từ phía nam ra và vòng tránh rất nhiều lá cờ có kèm theo thông số tốc độ, mũi tàu, tọa độ. Tàu Thành Công 01 lắp 2 chiếc máy định dạng nhãn hiệu Invo, Furuno liên tục phát đi hô hiệu, số imo và lá cờ Việt Nam: “AIS, lưới xù B-37…”.

Hàng đêm, cứ vào lúc 3 giờ 30 phút, các ngư dân thức giấc và mặc vào người chiếc túi ny lon thay cho áo để bắt đầu vào phiên kéo lưới. Dưới bầu trời sao, từng cột cờ trôi theo lưới sau một đêm được kéo về tàu. Lưới rê có mắt lưới khổ 16 cm, to hơn mắt lưới của chiếc võng. Vì vậy cá nhỏ chui qua lưới, cá lớn dính lại. “Có cá!” tiếng ngư dân la to để tời kéo lưới dừng lại. Từng con cá cờ to và nặng 40 kg mắc lưới và rơi “oạch” xuống sàn tàu. Từ lúc có cá, nụ cười bắt đầu nở trên môi các ngư dân.

Khi các ngư dân thức giấc và kéo lưới, ngư dân ở các tàu khác cũng bắt đầu “chương trình tâm sự buổi sáng” trên Icom. Các ngư dân cho biết, khi tàu lưới rê thả cờ Tổ quốc trên biển Hoàng Sa, các tàu tuần tra Trung Quốc phát thấy nhiều cờ nên rối rít quần đảo, dòm ngó, đe nẹt. Nhưng các ngư dân vẫn bình thản kéo lưới lên tàu và cố gắng kết thúc phiên lưới khi bình minh ló rạng trên biển Hoàng Sa.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hai-trinh-gian-nan-tau-luoi-re-tha-co-tren-bien-hoang-sa-post201002.html