Hải trình ngàn dặm về Subic

Trong tài liệu, vịnh Subic rộng 6,5 km, sâu 15 km. Hiện nay vịnh Subic là nơi Hoa Kỳ đang đặt căn cứ Hải quân.

Việt Nam và Philippines đã thiết lập mối quan hệ song phương. Nhưng trước sự phát triển của nghề biển hiện nay thì giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam và Bộ Nghề cá của Philippines cần có thêm những biên bản ghi nhớ, trong đó đề cập đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân. Vì thực tiễn diễn ra trên biển trong thời gian qua cho thấy, ngư dân 2 bên thường xuyên cưu mang, cứu giúp nhau lúc hoạn nạn.

 Ngư dân Nguyễn Hữu Phúc ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cứu nạn 4 ngư dân Philippines và được lực lượng biên phòng trao trả cho Đại sứ quán Philippines.

Ngư dân Nguyễn Hữu Phúc ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cứu nạn 4 ngư dân Philippines và được lực lượng biên phòng trao trả cho Đại sứ quán Philippines.

Trong các cơn bão số 5, số 6 vừa qua, nhiều tàu cá đã xuôi dòng hải lưu chạy về phía Philippines và được bạn giúp đỡ.

Đi về bờ Tây

Trong cơn bão số 6 vừa qua, nhiều tàu cá của ngư dân 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam đã xuôi theo dòng hải lý vượt chặng đường trên 500 hải lý để cập vào vịnh Subic của Philippines và được chính quyền nước sở tại đón tiếp, tặng quà và hỗ trợ về nơi neo đậu.

Câu chuyện đầy tình người của Philippines cũng gợi lại những chuyến đi bão táp trước đó của ngư dân Việt Nam, bất chấp sóng gió để cứu nạn ngư dân Philippines trôi dạt trên biển.

Trước đó, khi bão số 5 đổ bộ vào biển Đông, nhiều tàu cá chạy vào âu tàu ở quần đảo Trường Sa tránh gió. Phần lớn trong số đó là tàu làm nghề câu mực của ngư dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Giữa lúc sóng gió đùng đùng thì có một nhóm nhỏ khoảng 7 tàu vẫn lưu lại trên biển và xuôi theo dòng hải lưu để né bão, vì đường về đảo quá xa xôi.

Thông tin Icom từ tàu cá QNg 90594 TS của ngư dân Bùi Đức Thanh cho biết, đoàn tàu chạy né bão do các thuyền trưởng lão luyện, có thâm niên 20 năm ở Trường Sa cầm lái. Sau bão những chiếc tàu này sẽ quay lại và hốt đậm cho phiên cuối cùng. Vì mực và bão là 2 thứ luôn đồng hành, cứ gió mưa, bão tố tầm tã thì mực nổi đỏ mặt biển. Những ngày biển lặng, mỗi đêm buông câu, cả tàu chỉ thu về được 2-3 tấn mực tươi. Nhưng thời điểm sóng gió mịt mù thì mỗi tàu thu được 15-20 tấn mực/đêm.

Các ngư dân vật vã câu mực sau bão số 5 chưa được bao lâu thì bão số 6 tiến vào biển Đông. Từ ngày 1/11, sóng gió đã bắt đầu nổi lên. Buổi chiều giông đến bất ngờ rồi biển lại lặng gió và biển như đang ẩn mình để hút nguồn năng lượng chuẩn bị cho một trận bão lớn. Con tàu đội giàn phơi mực chao lắc như con lật đật. Các ngư dân cả đoàn tàu hội ý và quyết định chạy về phía tây của biển Đông, hướng về vịnh Subic của Philippines.

Các ngư dân đi câu mực khi gặp gió lớn thường chạy về phía Philippines để xuôi nước.

Vì sao các ngư dân mạnh dạn đi về phía Philippines mà không chút đắn đo? Vì mối quan hệ giữa ngư dân Việt Nam và Philippines là mối quan hệ đặc biệt, luôn đồng hành, chia sẻ khi đánh bắt trên biển. Không thể thống kê hết số lượng tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên từng cứu vớt ngư dân Philippines trôi dạt trên biển.

Vụ ngư dân Việt Nam cứu nạn ngư dân Philippines gần đây nhất, đó là tàu cá Tiền Giang 90983 TS của ông Ngô Văn Thẻng ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang khi đi hành nghề tại khu vực bãi Cỏ Rong đã vớt được 22 ngư dân Philippines bị nạn. Còn vụ việc trước đó (16-1-2019), tàu cá Bình Định 95786 TS vớt 3 ngư dân Philippines trôi dạt.

Việt Nam - Philippines

Ngư dân Philippines đi đánh cá trên chiếc thuyền rất thô sơ, thuyền không thể chở được nhiều lương thực nên thường nhờ sự cưu mang của ngư dân Việt Nam. Thỉnh thoảng ngư dân Việt Nam đi đánh cá được ngư dân Philippines gặp gỡ và ra hiệu, nếu bị bão mà đi về Việt Nam ngược dòng hải lưu thì cứ chạy sang bờ Tây và cập vào các đảo nhỏ, vịnh ven bờ của Philippines sẽ được cứu giúp.

Hình ảnh mà ngư dân Việt Nam quay trực tiếp trên biển cho thấy, bà con đã mời bạn Philippines qua tàu để tặng quà, mời ăn mì tôm, hai bên nói chuyện bằng cách ra hiệu và nở nụ cười.

Trở lại chuyện hành trình chạy tránh bão của đoàn tàu ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi về phía Philippines, các ngư dân bắt đầu bấm định vị xác định tọa độ và hành trình từ chiều ngày 4/11. Sau 2 ngày đêm chạy tàu không nghỉ về hướng Philippines.

Trong thời gian trên, các ngư dân đã điện về đất liền, thông báo tình hình với Bộ đội biên phòng và xin điện cho Bộ Ngoại giao can thiệp phía chính quyền Philippines giúp ngư dân vào tránh trú bão.

Sáng ngày 6/11, trước mũi đoàn tàu câu mực của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi hiện ra một dải đất mờ nhạt. Màn hình định vị Hayang hiển thị tọa độ vùng đất lạ mà những con tàu này sẽ đến là vịnh Subic, một vùng đất nằm về hướng tây nam của tỉnh Zambales của Philippines, cách vịnh Malina 55 km về hướng tây bắc.

Các ngư dân trên đoàn tàu này từng nhiều lần chạy tránh bão và dạt vào vùng San Antonio, Botolan, Masinloc nằm về phía bờ tây của Philippines, nhưng đây là lần đầu tiên họ dạt đến một vùng biển đầy choáng ngợp.

Các ngư dân chia sẻ hình ảnh trực tuyến thì đó là một hải cảng lớn, nhiều tàu qua lại và biển ăn sâu vào đất liền. Trong tài liệu, vịnh Subic rộng 6,5 km, sâu 15 km. Hiện nay vịnh Subic là nơi Hoa Kỳ đang đặt căn cứ Hải quân. Từ năm 1860, Tây Ban Nha cũng thiết lập căn cứ tại Subic để kiểm soát tuyến đường hàng hải trên biển Đông.

Các ngư dân được lực lượng biên phòng Phippines đón tiếp và phát quần áo khi vào vịnh Subic (ảnh từ Philippines).

Các ngư dân Quảng Ngãi đang tránh trú bão ở vịnh Subic điện về Việt Nam kể lại việc họ được người dân Philippines chào đón, được chính quyền thăm hỏi và chia sẻ như người thân. Nơi mà đoàn tàu 5 chiếc đang neo đậu là một hòn đảo nhỏ có tên là Olongapo, vị trí nằm giữa vịnh Subic của Philippines.

Sau 2 ngày trú bão, đoàn phóng viên và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đến thăm hỏi ngư dân và bà con nhờ phiên dịch, kết nối để phía Philippines bán thêm 10 ngàn lít dầu để hành trình trở về.

Các ngư dân từ Philippines gởi hình ảnh quay video về Việt Nam và chia sẻ câu chuyện đầy tình người. Đó là khi ngư dân Việt Nam vào vịnh Subic thi các bác sĩ đến khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, tham vấn cho ngư dân. Việc khám chữa bệnh diễn ra giữa vòng vây tò mò, hiếu kỳ và thân thiện người dân địa phương.

Ngư dân trên các tàu Quảng Ngãi là QNg 90594 TS Trần Đức Thanh, QNg 90909 Trần Văn Trường, QNg 95579 TS của Phạm Tiến thường xuyên chia sẻ thông tin về Việt Nam.

Các ngư dân phải đi mua sim, kết nối mạng wifi của Philippines để gọi điện thoại trực tuyến qua mạng xã hội. Vì các cuộc đàm thoại trực tiếp trên điện thoại bị trừ cước phí khoảng 30 ngàn đồng/phút.

Do bất đồng về ngôn ngữ nên các ngư dân nhờ phóng viên báo Biên phòng dịch các câu đàm thoại gởi qua facebook để ngư dân mang đi nói chuyện với người dân phía Philippines, đề nghị hỗ trợ mua rau xanh, mua dầu.

Trong chuyến biển xin tránh trú bão của các ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi tại Philippines, bà con được chính quyền và lực lượng biên phòng của bạn quan tâm, ra hiệu Việt Nam – Philippines là mối quan hệ thân thiện, anh em.

Ngư dân Việt Nam được tặng quần áo, mỗi tàu cá được hỗ trợ lương thực. Nhiều người dân Philippines giơ tay chào đón và ra hiệu: “Việt Nam – Phillippines number one!”.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hai-trinh-ngan-dam-ve-subic-post254611.html