Hải trình sâu nặng nghĩa tình

Những ngày cuối năm, trong tiết trời lạnh giá, sóng to gió lớn, đoàn công tác của Lữ đoàn bộ binh phòng thủ đảo 242 (Quân khu 3) và các đơn vị đồng hành vượt hơn 100 hải lý đến thăm tuyến đảo Đông Bắc. Chuyến đi để lại nhiều cảm xúc về những người lính ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng và tình quân dân ấm áp nơi đảo xa.

Đoàn công tác trao tặng quà cho nhân dân trên đảo Trần (ảnh nhỏ) và chiến sĩ Đại đội pháo cao xạ 37, Tiểu đoàn Đảo Ngọc Vừng huấn luyện chiến đấu phòng không.

Vượt trùng khơi đến đảo tiền tiêu

7 giờ sáng, chiếc tàu quân sự rời cảng Cái Rồng (Quảng Ninh). Khi đất liền dần xa, mọi người tập trung lên boong tàu ngắm biển và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ bằng máy ảnh, điện thoại. Ngồi cạnh tôi, ca sĩ Thùy Dương (Đoàn văn công Quân khu 3) trải lòng: “Đây là lần thứ tư em vinh dự được đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tuyến đảo Đông Bắc. Lần nào cũng say sóng, nhưng em đều háo hức, mong chờ. Bởi em nghĩ rằng, đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tuyến đảo còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy, tiếng hát của mình sẽ góp phần động viên, sẻ chia để họ thêm vững vàng”.

Thượng tá Phạm Văn Dương, Phó Chính ủy Lữ đoàn 242, trưởng đoàn công tác chậm rãi chia sẻ: Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tuyến đảo Đông Bắc tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Nhất là đảo Trần, đây là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, hiện vẫn chưa có điện lưới, chưa có tàu khách, vài ba tháng cán bộ, chiến sĩ mới được về thăm gia đình một lần. Có những đồng chí sĩ quan đã 35-40 tuổi nhưng vẫn chưa có điều kiện lập gia đình...

Câu chuyện của thượng tá Dương khiến những người lần đầu tham gia hành trình mường tượng về cuộc sống nơi đảo xa, cảm giác cồn cào, nôn nao vì say sóng bị át đi. Tàu cập bến, sau những cái bắt tay ấm áp tình quân dân, chúng tôi hành quân về Tiểu đoàn đảo Trần.

Bữa cơm thân mật với cán bộ, chiến sĩ đảo Trần có đủ món như ở đất liền, với gà luộc, cá rán, cá kho, xương ninh bí, rau luộc… Thiếu tá Bùi Đức Trung, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đảo Trần phấn chấn: “Toàn bộ món ăn hôm nay do cán bộ, chiến sĩ đơn vị làm ra và tự tay chế biến. Mời mọi người cùng thưởng thức sản phẩm của lính đảo”.

Tới thăm cột cờ ở độ cao 188m so với mực nước biển - biểu tượng chủ quyền quốc gia thiêng liêng trên đảo Trần, nằm trong dự án xây dựng 7 cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước, do T.Ư Đoàn, Hội sinh viên Việt Nam phối hợp thực hiện, ai cũng lâng lâng cảm xúc tự hào. Tại trạm hải đăng đảo Trần, bác Phạm Trọng Vinh - người có 20 năm gắn bó với đảo chia sẻ: “Ở đây xa đất liền nên chúng tôi với lính đảo như người thân trong nhà. Tuy nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều chung một mục tiêu là “tất cả vì biển đảo”.

Thay mặt các hộ dân trên đảo Trần, trưởng thôn Nguyễn Thị Cảnh nghẹn ngào: “Tình cảm đất liền dành cho đảo rất trân quý. Vì vậy, chúng tôi sẽ khắc phục mọi khó khăn để ngày đêm bám đảo, coi đây là quê hương thứ hai của mình”. Theo chị Cảnh, khó khăn nhất hiện nay là trên đảo chưa có điện lưới, nước ngọt còn thiếu và việc học hành của các em nhỏ cũng là điều người dân còn trăn trở.

Nhịp sống mới sôi động

Tại đảo Thanh Lân, mọi người đều ấn tượng trước khu tăng gia tập trung khá rộng, với hệ thống giàn, vườn trồng rau xanh, chuồng nuôi gia súc, gia cầm trông thật bắt mắt. Theo đại úy Đặng Ngọc Thành, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đảo Thanh Lân, trong 10 tháng năm 2017, số tiền thu lãi từ tăng gia sản xuất của đơn vị đã đạt hơn 100 triệu đồng.

“Chồng em là thuyền trưởng của Tiểu đoàn đảo Thanh Lân, quanh năm đi biền biệt. Cách đây hơn 10 năm, vì thương anh ấy và yêu đảo nên em đã tình nguyện đến đây công tác để được gần chồng và gắn bó với đảo. Giờ đây, biển đảo đã là cuộc sống của em nên không muốn rời xa”.

Cô giáo Nguyễn Thị Chung

Trên đường dạo quanh đảo, cuộc trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Chung khiến mọi người xúc động. Cô giáo Chung tâm sự: “Chồng em là thuyền trưởng của Tiểu đoàn đảo Thanh Lân, quanh năm đi biền biệt. Cách đây hơn 10 năm, vì thương anh ấy và yêu đảo nên em đã tình nguyện đến đây công tác để được gần chồng và gắn bó với đảo. Giờ đây, biển đảo đã là cuộc sống của em nên không muốn rời xa”.

Tạm biệt Thanh Lân, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Cô Tô - nơi có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Bùi Đức Bân, Phó Chủ tịch HĐND huyện Cô Tô cho biết, Cô Tô đang chuyển mình, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, mỗi năm có hàng vạn khách đến tham quan, trong số đó, khoảng hơn 10% là khách quốc tế.

Tối hôm đó, Đoàn văn công Quân khu và Tiểu đoàn Cô Tô đã biểu diễn một chương trình văn nghệ mang đậm chất lính, khiến không khí buổi giao lưu giữa đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo trở lên sôi động như một ngày hội. Những món quà thiết thực được đoàn công tác chuyển từ đất liền ra đảo đã mang hơi ấm tình quân dân, tình đồng đội để xua tan giá lạnh ngày đông…

Lưu luyến Ngọc Vừng

Rời Cô Tô trong màn sương sớm, con tàu rẽ sóng đến Ngọc Vừng, hòn đảo được mệnh danh “đảo Ngọc” trên tuyến đảo Đông Bắc. Sau hơn hai giờ hành trình, Ngọc Vừng hiện ra với những bãi cát trải dài ôm trọn lấy đảo, bình minh chiếu xuống lấp lánh, làm “đảo Ngọc” càng trở nên quyến rũ.

Sau khi đến thăm khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo, chúng tôi tới Đại đội Pháo cao xạ 37mm, đơn vị thường xuyên duy trì một trung đội trực chiến 24/24 tại trận địa. Qua lời tâm sự của đại úy, Đại đội trưởng Nguyễn Công Trường, chúng tôi được biết, anh có hơn 10 năm công tác tại đảo, thì 6 năm ăn tết ngay tại “trận địa”. Năm nay, anh dự định sẽ đưa cả “hậu phương” ra đảo ăn tết.

Gặp gỡ các chiến sĩ trẻ trên mâm pháo, họ đều thể hiện quyết tâm cao bằng ý chí luyện rèn và tinh thần vượt khó. Một chiến sĩ trẻ quê Hải Phòng chia sẻ với chúng tôi: “Xa đất liền, xa người thân, ai cũng nhớ, nhưng chúng em luôn xác định đảo là nhà, biển cả là quê hương, đồng đội đều là anh em một nhà”.

Lúc rời đảo trở về đất liền, mọi người đều bịn rịn không muốn chia tay. Để không khí đỡ trầm lắng, một ca sĩ đoàn văn công hát tặng cán bộ, chiến sĩ đơn vị bài hát Chút thơ tình của người lính biển. Lời hát da diết, đi vào lòng người và như muốn nói hộ tâm trạng người lính đảo lúc chia tay. Tôi nhìn lên, thấy khóe mắt nhiều người đã ngấn lệ. Tàu rời bến, Ngọc Vừng xa dần và khuất hẳn tầm mắt...

Thanh Sang - Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/hai-trinh-sau-nang-nghia-tinh-1225054.tpo