Hai trợ thủ đắc lực giúp gì cho bà Hứa Thị Phấn?

Bùi Thị Kim Loan cùng Ngô Kim Huệ là hai trợ thủ đắc lực giúp bà Hứa Thị Phấn.

Căn nhà biệt thự nguy nga 3 mặt tiền của bà trùm Hứa Thị Phấn tại Q. Thủ Đức đóng cửa kín mít

Trợ thủ đắc lực cho Hứa Thị Phấn: Chối cãi quanh co, tẩu tán tài sản

Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT NH TMCP Đại Tín, TrustBank nay là VNCB, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư phát triển Phú Mỹ) về hai tội danh: "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại TrustBank.

Trong số 27 bị can, có hai nhân vật cũng là nữ đại gia đều bị truy tố về hai tội danh cùng bà trùm này là Ngô Kim Huệ, nguyên thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc TrustBank và Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ.

Trong kết luận điều tra, Huệ khai là mẹ mình là bà Hứa Thị Thu Cúc (chị gái bà Phấn). Bố Huệ mất sớm, gia đình Huệ được bà Phấn đưa về nhà cưu mang và Huệ được bà Phấn nuôi ăn học và đưa vào làm thành viên HĐQT, Phó TGĐ Phụ trách mảng xây dựng cơ bản và một số mảng khác.

Theo kết quả điều tra cũng ghi rõ Huệ là đối tượng chính trong vụ án, có vai trò giúp sức tích cực cho bà Phấn thao túng ngân hàng. Vì thế Huệ phải chịu trách nhiệm cùng với bị can Phấn với tổng số tiền là 1.435 tỷ đồng trong đó có liên quan đến hành vi mua bán, chuyển nhượng lòng vòng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hành vi hạch toán khống 5.256 tỷ đồng. Mặc dù xác định Huệ là đối tượng chính vụ án nhưng vì đang nuôi con dưới 3 tuổi nên được cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”.

"Trong quá trình điều tra, Huệ không những khai báo quanh co, không hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của bà Phấn với đồng phạm. Việc sử dụng tiền do phạm tội mà có, việc sở hữu tải sản, việc đứng tên sở hữu và quản lý khai thác bất động sản giúp bà Phấn… làm cản trở nghiêm trọng việc điều tra và thu hồi tài sản thiệt hại của cơ cơ quan điều tra", kết luật điều tra thể hiện.

Chính vì thế, dù lúc này Huệ đang mang thai con thứ 3 nhưng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thay thế biện pháp ngăn chặn từ “Cấm đi khỏi nơi cư trú” thành “Bắt bị can để tạm giam”. Chỉ sau khi bị bắt tạm giam, cùng với việc sau nhiều lần cơ quan điều tra cảm hóa, thuyết phục và giải thích Huệ đã nhìn nhận ra hành vi phạm tội của bản thân. Sau đó tự khai báo về hành vi phạm tội, tự khai báo về việc sở hữu và đứng tên sở hữu, quản lý và khai thác các bất động sản, tài sản khác. Nhờ đó. giúp cơ quan điều tra làm rõ và kê biên, phong tỏa một số tài sản của Huệ và Phấn. Lúc này VKSND tối cao đã thay thế biện pháp ngăn chặn từ “bắt tạm giam” thành “Cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Đối với bị can Loan là tay hòm chìa khóa cho bà Phấn. Kết luận điều tra nói rõ Loan là người phải chịu trách nhiệm cùng với bà Phấn về toàn bộ số tiền 6.341 tỷ đồng mà Trusbank bị thiệt hại.

Theo kết quả điều tra, mặc dù được xác định là đối tượng quan trọng trong vụ án nhưng do có con nhỏ nên Loan chỉ bị áp dụng biện pháp: “cấm đi khỏi nơi cơ trú”. Tuy nhiên, quá trình điều tra Loan khai báo quanh co, không hợp tác với cơ quan chức năng. Không những thế Loan cùng chồng là bị can Nguyễn Kim Thanh ký bán tẩu tán bất động sản đứng tên giúp bà Phấn… Điều này làm cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, thu hồi tài sản của cơ quan điều tra. Nên dẫu đang mang thai con thứ 3 CQĐT đã buộc thay thế biện pháp ngăn chặn sang “bắt bị can để tạm giam”.

Bà trùm Hứa Thị Phấn và đồng phạm rút hàng ngàn tỷ đồng tại Trustbank sau đó "cáo" vào bệnh viện nằm

Nhóm Phú Mỹ và Trustbank thực chất là một

Ngoài hai cánh tay đắc lực trên bà Phấn còn sử nhiều chân rết nắm giữ các vị trí quan trọng xuyên suốt trong hệ thống Trustbank.

Cụ thể như ông Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam là hai nhân vật cao cấp nhất tại Trusbank khai được Phấn đưa về để làm lãnh đạo và vì chịu ơn nên đã “nhắm mắt” làm theo các chỉ đạo sai trái ấy. Trong số các chân rết của Phấn tại hệ thống Trusbank, một nhân vật cũng đóng vai trò quan trọng là Ngô Nguyễn Đoan Trang, phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn tại ngân hàng. Đây chính là người “thu xếp" dòng tiền và cũng là cháu ruột với bà trùm này.

Điều đó cho thấy cầm đầu nhóm Phú Mỹ chính là bà Phấn. Và Trustbank trong giai đoạn này cũng là một tay Phấn thao túng. Nói cách khác, Trustbank và Phú Mỹ thực chất là một. Vì lí do này bà Phấn và đồng phạm là các cựu lãnh đạo Trustbank đã thực hiện trót lọt nhiều hành vi sai trái.

Kết quả kiểm toán tháng 2/2012 Trustbank đã âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng.

Yên Trang

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/hai-tro-thu-dac-luc-giup-gi-cho-ba-hua-thi-phan-d247314.html