'Hai trọng tâm', 'Năm đột phá' trong công tác cán bộ

Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị T.Ư 7 (khóa XII) đã chỉ rõ 'Hai trọng tâm' và 'Năm đột phá' trong công tác cán bộ. Quán triệt, triển khai Nghị quyết, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ.

Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ. Để đáp ứng được quá trình đó, tỉnh xác định cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đủ mạnh: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; có đức, có tài, có trình độ chuyên môn, năng lực công tác tốt. Hằng năm đã rà soát, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đảm bảo nguồn kinh phí, nhằm tạo nguồn cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên", đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ CNH - HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, chương trình đào tạo của tỉnh, vào quý III hằng năm, cơ quan thường trực (Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ) có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhu cầu đăng ký học viên, trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo theo quy định.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng các ứng viên tham gia kỳ thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, tháng 9/2018. Ảnh: Hồng Nhung

Giai đoạn (2016-2018), toàn tỉnh có gần 70.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được các cơ quan, đơn vị, địa phương cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý ở trong nước và nước ngoài theo kế hoạch duyệt của tỉnh. Trong đó, có 830 lượt CBCCVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoài kế hoạch tỉnh phê duyệt hằng năm.

Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính, gắn với tiêu chuẩn, vị trí việc làm và cơ cấu công chức. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo trang bị đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, tiêu chuẩn cho công chức lãnh đạo, quản lý và công chức các ngạch hành chính; kiến thức văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công chức trong thực thi công vụ.

Bên cạnh ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC đã được quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt; các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã quan tâm mở rộng, xen kẽ thêm CBCCVC là những chuyên viên thường xuyên phải tiếp cận, giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân hoặc thường xuyên phải tham mưu, giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo ký ban hành những văn bản chỉ đạo, điều hành tại những cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao quyết định phê chuẩn Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho đồng chí Phạm Xuân Đài (4/1/2019).

Trong các buổi làm việc của BTV Tỉnh ủy với 14 địa phương của tỉnh vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đều khẳng định và quán triệt các địa phương cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch CBCCVC; phải coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Đặc biệt trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.

Thực tế ở Quảng Ninh cho thấy, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, trong một thời gian ngắn, nhiều CBCCVC thuộc các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã tích lũy được kinh nghiệm, trau dồi phẩm chất đạo đức, chính trị cách mạng, khẳng định được vị trí, vai trò trong công tác, qua đó tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều CBCCVC rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành trở thành cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị, địa phương, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của tỉnh.

Nghị quyết 26-NQ/TW, Hội nghị T.Ư 7 (khóa XII) xác định rõ “Hai trọng tâm” và “Năm đột phá”

Hai trọng tâm:

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Năm đột phá:

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương;

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền;

Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện;

Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài;

Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201903/hai-trong-tam-nam-dot-pha-trong-cong-tac-can-bo-2435804/