Hai tuần triển khai Nghị định 100, xử phạt hơn 6.000 trường hợp, thu ngân sách hơn 21 tỷ đồng

Đại diện Cục CSGT thông báo, trong 2 tuần qua không có tai nạn nghiêm trọng liên quan đến rượu bia. Các bệnh viện cũng ghi nhận số ca nhập viện do TNGT giảm rõ rệt.

Chiều 16/1, tại buổi họp báo công bố kết quả 2 tuần triển khai Nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Phó cục trưởng Cục CSGT) cho biết, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm mạnh sau 15 ngày triển khai Nghị định.

Đại diện Cục CSGT vui mừng thông báo, trong 2 tuần qua không có tai nạn nghiêm trọng liên quan đến rượu bia. Các bệnh viện cũng ghi nhận số ca nhập viện do TNGT giảm rõ rệt.

Ông Khuất Việt Hùng, Thiếu tướng Lê Xuân Đức và bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Tuổi trẻ

Ông Khuất Việt Hùng, Thiếu tướng Lê Xuân Đức và bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Tuổi trẻ

Cụ thể, từ ngày 1 đến 15/1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%) và giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%).

"Những ngày qua không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan rượu bia. Trong khi dịp này những năm trước thường xảy ra những vụ lái xe uống rượu tông chết nhiều người", báo Tuổi trẻ dẫn lời Thiếu tướng Lê Xuân Đức.

Theo Zing, trong 2 tuần triển khai, CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 49,7 tỷ đồng. Tính riêng các vi phạm về nồng độ cồn là 6.279 trường hợp, phạt hơn 21 tỷ đồng.

"Người dân đã có sự cân nhắc rõ ràng về mức phạt trước khi dùng bia rượu. Trách nhiệm tuân thủ pháp luật được nâng lên, đặc biệt đối với công chức, lực lượng vũ trang", Thiếu tướng Đức nhận định.

Ông cho biết, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT sẽ thực hiện nghiêm túc, xử lý tận gốc để người dân nhận thức rõ tác hại của rượu bia.

Liên quan đến câu hỏi, người uống rượu bia có thể xác định được sau khi uống bao lâu thì nồng độ cồn trong máu bằng 0 để lái xe, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế - cho biết, nồng độ cồn trong cơ thể phụ thuộc vào tửu lượng và số lượng, tần suất sử dụng, mức độ đào thải cồn, sức khỏe của từng người khác nhau, nên không có công thức chung.

Hiện nay, trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định sau khi uống rượu bia bao nhiêu thời gian thì nồng độ trong máu bằng 0. Tốt nhất là không nên uống rượu bia trước khi lái xe.

Theo báo Tuổi trẻ, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu tính 1 đơn vị cồn là khoảng 2/3 lon bia, sẽ đào thải hết trong 1-2 giờ đối với một người đàn ông bình thường, và 3-4 giờ với phụ nữ. Nếu uống 10 lon bia, mức độ đào thải sẽ lâu hơn.

Cũng trong sáng 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến tiêu cực.

Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT theo Nghị định 100/2019, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội xuân.

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-tuan-trien-khai-nghi-dinh-100-xu-phat-hon-6000-truong-hop-thu-ngan-sach-hon-21-ty-dong-a463227.html