Hai tướng rạn nứt, quân đội Thái Lan 'tiến thoái lưỡng nan'

Khi Thủ tướng Prayuth và Phó thủ tướng Prawit - hai cựu tư lệnh - đối đầu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, quân đội Thái Lan nhiều khả năng sẽ giữ thái độ trung lập.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (phải) và Phó thủ tướng Prawit Wongsuwanm rời Tòa nhà Chính phủ vào tháng 9/2014. Ảnh: Reuters.

Khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan sẽ thử thách lòng trung thành của quân đội - lực lượng đã hỗ trợ sự nghiệp chính trị của họ trong gần một thập kỷ kể từ năm 2014.

Cuộc cạnh tranh diễn ra sau khi hai cựu tướng lĩnh lựa chọn đảng phái chính trị khác nhau, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ bộ ba hùng mạnh - gồm cả Bộ trưởng Nội vụ đương nhiệm Anupong Paochinda - lãnh đạo đất nước.

Sự rạn nứt xuất hiện sau khi ông Prayuth rời khỏi đảng Palang Pracharath (PPRP), thế lực thân quân đội từng ủng hộ ông tranh cử thủ tướng vào năm 2019, để gia nhập đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN). Quyết định này tạo cơ hội cho ông Prawit, cố vấn quân sự của ông Prayuth, trở thành ứng viên thay thế.

Các nguồn tin tình báo quân sự cho biết cuộc đối đầu sắp tới giữa hai vị tướng sẽ khiến quân đội Thái Lan rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

"Lần này chúng ta có thể trông chờ bước ngoặt", một nguồn tin nói với Nikkei Asia. "Chúng ta có thể thấy quân đội dừng ủng hộ các chính trị gia như tướng Prayuth hay tướng Prawit".

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ "rút lui khỏi chính trị, đó chỉ là sự trung lập kiểu Thái Lan", ông nói thêm.

Không ai có lợi?

Một số nhà quan sát cho rằng ông Prawit có ít khả năng nhận được sự ủng hộ từ quân đội hơn.

"Ông Prawit hiếm có cơ hội nhận được sự ủng từ quân đội vì ông ấy không thân cận với hoàng gia", Supalak Ganjanakkhundee, nhà quan sát chính trị kỳ cựu, nhận định.

"(Ông Prawit) đã nghỉ hưu từ lâu trong quân đội và hiện không giữ chức vụ bộ trưởng nào. (Ông Prayuth cũng không) giao cho ông Prawit phụ trách các vấn đề an ninh hay bất cứ điều gì liên quan đến quân đội", vị chuyên gia nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Prayuth cũng có lợi thế hơn trên một mặt trận quân sự khác, vì từng đứng đầu Bộ chỉ huy Hoạt động An ninh Nội bộ (ISOC) - “cánh tay chính trị” của quân đội.

Thủ tướng Prayuth. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, sau cuộc cải tổ năm 2016, nhiều nghi vấn đặt ra về sự ủng hộ của quân đội dành cho "saam paw", từ ám chỉ bộ ba Prayuth - Prawit - Anupong.

"Tình trạng chia rẽ đang trở nên ngày càng sâu sắc giữa một bên là bộ ba Prayuth - Prawit - Anupong và một bên là lãnh đạo quân đội sau năm 2016", Paul Chambers, chuyên gia về an ninh quốc gia Thái Lan tại Đại học Naresuan ở miền Bắc nước này, từng nhận định vào năm 2020.

"Đặc biệt là với việc nhiều nhân vật thuộc lực lượng Wongthewan được lên nắm giữ các vị trí cấp cao trong quân đội từ năm 2018, ông Prayuth không thể yên tâm về sự hậu thuẫn của quân đội", vị chuyên gia nói thêm.

Trong những năm gần đây, sức ảnh hưởng của ông Prayuth và ông Prawit trong quân đội cũng đang giảm dần. Các nhà phân tích an ninh chỉ ra rằng cả ông Prayuth và ông Prawit đều không đóng vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm tướng Narongphan Jitkaewthae - nhân vật được hoàng gia yêu thích - cho vị trí chỉ huy quân đội.

Thái độ trung lập

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, tuần này, tướng Narongphan đã cân nhắc chỉ thị cho quân đội giữ thái độ trung lập về chính trị trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Hiện nay, cả lính nghĩa vụ, binh sĩ trẻ và các đại úy đều đang bàn tán xôn xao trong doanh trại. Nhiều người trong số họ ủng hộ các đảng đối lập như Move Forward hay Pheu Thai, nguồn tin trong quân đội cho biết.

Cận vệ hoàng gia tại cung điện ở Bangkok, Thái Lan, vào tháng 10/2017. Ảnh: Reuters/Damir Sagolj.

Theo Nikkei Asia, những dấu hiệu về sự bất hòa giữa ông Prayuth và ông Prawit trái ngược với hình ảnh mặt trận thống nhất mà họ từng xây dựng vào năm 2014, sau khi lật đổ chính phủ do đảng Pheu Thai lãnh đạo.

Tướng Prayuth, Prawit và Anupong đều xuất thân từ đội cận vệ của Hoàng hậu - đội quân tinh nhuệ nắm giữ các vị trí quan trọng trong quân đội suốt một thập kỷ cho đến năm 2016. Sự gắn kết giữa 3 vị tướng này xuất phát từ những ngày chung doanh trại.

Đến nay, dù đối đầu trên chính trường, họ vẫn giữ thái độ thân thiết khi gặp mặt. "Họ vẫn tỏ ra thân thiết, tham dự các cuộc họp cùng nhau và chia sẻ những câu chuyện cười", một người thân cận với ông Prayuth tiết lộ.

"Đó là nhờ tinh thần đồng đội của họ với tư cách những người anh em đã sát cánh cùng nhau nhiều năm", người này nói thêm.

Song sự căng thẳng đang gia tăng giữa các đồng minh chính trị trung thành với ông Prayuth và ông Prawit. "Họ đang nhắm mục tiêu lẫn nhau và đều tự tin sẽ giành được sự tín nhiệm từ các cử tri từng ủng hộ chính phủ năm 2019", một quan chức cho biết.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao cũng đang dõi theo cuộc cạnh tranh giữa ông Prayuth và ông Prawit. Họ dự đoán hai bên sẽ có nhiều lời lẽ gay gắt hơn khi cuộc bầu cử đến gần.

"Sự chia rẽ giữa ông Prayuth và ông Prawit không chỉ là bề ngoài, (họ) sẽ cạnh tranh gay gắt hơn trong chiến dịch tranh cử. Ông Prayuth rất tham vọng. Ông ấy muốn tiếp tục nắm quyền", cựu Ngoại trưởng Kasit Piromya nhận định.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-tuong-ran-nut-quan-doi-thai-lan-tien-thoai-luong-nan-post1411062.html