Hai vợ chồng đều làm thứ trưởng

Cách đây khá lâu tôi có nhận được quyển sách do gia đình bà Lê Thị Diệu Muội, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội thương (nay là Bộ Công thương) gửi tặng. Quyển sách dày 770 trang do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn bản. Quyển sách có tên 'Lê Chưởng trên những chặng đường chiến đấu' là tập hồi ký, tập hợp nhiều bài viết của các vị tướng lĩnh quân đội, của bạn bè, đồng chí về Thiếu tướng Lê Chưởng, chồng của bà Diệu Muội. Phần thứ 2 của quyển sách là một số bài viết của Thiếu tướng Lê Chưởng về lý luận chính trị, quân sự, văn thơ...

Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội gắn Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho bà Lê Thị Diệu (ngày 5/11/2013) -Ảnh: T.L

Ông Lê Chưởng và bà Diệu Muội đã dành cả cuộc đời tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng sôi nổi, hào hùng. Là cán bộ tiền khởi nghĩa, hai ông bà có một điểm chung đều là Bí thư Tỉnh ủy, là Thứ trưởng, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Làm Bí thư Tỉnh ủy năm 20 tuổi

Bà Lê Thị Diệu Muội, sinh năm 1922, ở làng Tường Vân, xã Triệu An, Triệu Phong, trong một gia đình nông dân có nhiều người tham gia cách mạng. Ông nội là Lê Thế Vỹ, một chí sĩ tham gia nhiều phong trào yêu nước chống Pháp, bác ruột là Lê Thế Hiếu, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, cha là ông Lê Thế Tiết, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.

Noi theo tấm gương sáng của gia đình, từ nhỏ bà bất chấp khó khăn, nguy hiểm đi theo cách mạng. Năm 1932, mới 10 tuổi bà đã làm nhiệm vụ canh giữ cho cha trong các cuộc họp bí mật, sau đó bà vào Huế gây dựng cơ sở rồi trở lại hoạt động ở Quảng Trị. Năm 17 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Càng hoạt động trong môi trường khó khăn, nguy hiểm bà càng bọc lộ khí chất của một người chiến sĩ cách mạng gan dạ, kiên cường, bất khuất, được đồng chí, đồng đội tin tưởng giao cho nhiều chức vụ ở địa phương.

Trong giai đoạn từ tháng 5-7/1942 nhiều tổ chức đảng bị vỡ, cán bộ bị bắt tù đày, đảng bộ mất liên lạc với cấp trên. Tháng 8/1942 Tỉnh ủy Quảng Trị được củng cố, bà được cử làm Quyền Bí thư Tỉnh ủy, năm ấy mới 20 tuổi là bí thư trẻ nhất, lại là nữ, cho thấy uy tín, năng lực hoạt động, tổ chức phong trào của bà được mọi người tin tưởng. Đối với bọn thực dân Pháp, thấy bà có được chức vụ cao nên chúng luôn theo dõi và truy bắt.

Tháng 11/1942 bà bị bắt ở Triệu Phong, chúng dùng nhiều hình thức tra tấn cực hình nhưng không khuất phục được, bà Diệu Muội bị kết án 20 năm tù khổ sai, lưu đày biệt xứ. Năm 1945 tận dụng bối cảnh Nhật đảo chính Pháp bà vượt ngục về quê tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau năm 1954 tập kết ra miền Bắc, bà có nhiều năm công tác tại các cơ quan trung ương, giữ các chức vụ như Vụ trưởng Lao động-Tiền lương và Tổ chức cán bộ, Bộ Nội thương; thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội khóa 4 và 5.

Năm 1967 bà được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội thương. Bà mất năm 2021, thọ 99 tuổi. Ghi nhận công lao đóng góp của bà, Đảng, Nhà nước tặng thưởng các huân, huy chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 80 năm tuổi đảng...

Điều đáng quý là lớn lên trong giai đoạn khó khăn của đất nước, dưới chế độ thực dân phong kiến, người phụ nữ chịu nhiều áp bức và ràng buộc nhưng bà không cam chịu phận nữ nhi thường tình mà luôn phấn đấu, vươn lên, học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, sự nghiệp ngày càng thăng tiến.

Cho đến nay bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất ở Quảng Trị giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, Thứ trưởng Bộ Nội thương. Bà lấy chồng cùng quê ở Triệu Phong, cùng hoạt động cách mạng, hai vợ chồng có 4 người con, trong đó 2 người là đại tá quân đội.

Thiếu tướng Lê Chưởng, chủ bút của nhiều tờ báo, thứ trưởng Bộ Giáo dục

Chồng bà Diệu Muội cũng là người hoạt động, trưởng thành từ cơ sở ở Quảng Trị, thiếu tướng Lê Chưởng. Ông sinh năm 1914 ở thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong trong một gia đình nông dân có 8 anh chị em, cả 3 người con trai trong gia đình là Lê Chưởng, Lê Hàn, Lê Vụ đều tham gia cách mạng. Ông Lê Chưởng là con thứ 5. Làng Long Quang thửa ấy không có trường học nên ông phải vào ở trọ, học ở trường Long Hưng thuộc huyện Hải Lăng.

Đường Lê Chưởng ở Phường 1, TP. Đông Hà - Ảnh: NAM BẰNG

Từ nhỏ đã thấy rõ nỗi đau mất nước, sự khổ cực của người dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp nên ông tham gia hoạt động cách mạng trong những ngày còn niên thiếu, có mặt trong phong trào đấu tranh của học sinh những năm 1929-1030, bị thực dân Pháp bắt 4 lần giam giữ vào các nhà tù Quảng Trị, Lao Bảo, Huế, Buôn Ma Thuột, bị tra tấn dã man nhưng không khuất phục, ra tù lại tiếp tục hoạt động cách mạng, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi (1931).

Có lần bị bắt giam vào nhà lao Huế, kẻ thù dùng các nhục hình dã man, ông chết đi sống lại và đã tuyệt thực một tuần để phản đối sự hà khắc của nhà tù. Hành động tuyệt thực của ông là ngòi nổ cho cuộc đấu tranh của anh em trong tù. Nhà thơ Tố Hữu cảm kích trước tinh thần ý chí đấu tranh kiên cường, ngạo nghễ của ông nên đã viết bài thơ “Tranh đấu” để tặng ông.

Trong đó có câu: “Tôi sẽ chết sau những giờ chiến đấu/Cần biết chi gươm súng của quân thù/Chĩa vào đầu cách mạng vẫn cao hô:/“Chống khủng bố! Chống khủng bố!”/Và giữa lúc những giày đinh man rợ/Dùi cao su và những ván dần lưng/Quăng mình theo chiến đấu với đoàn quân/Tôi ngạo nghễ với trăm dòng tư tưởng”.

Trong giai đoạn những năm 1937- 1942 ông Lê Chưởng được tín nhiệm giữ nhiều chức vụ như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Ủy viên thường vụ Xứ ủy, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Ông đã từng là chủ bút của các tờ báo như Cứu Quốc (Tỉnh ủy Quảng Trị); Bẻ Xiềng Sắt; Quyết Thắng (Xứ ủy Trung kỳ); Phá Ngục (Thành phố Huế). Năm 1948 ông Lê Chưởng được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị kiêm Chính ủy Trung đoàn 95. Năm 1949 Liên khu ủy IV điều ông ra làm Thường vụ Khu ủy, kiêm Chính ủy Quân khu IV.

Từ năm 1951-1955 là Bí thư sư đoàn ủy Sư đoàn 304 kiêm Chính ủy sư đoàn, sau đó ông được bổ nhiệm Cục trưởng cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1959 được phong quân hàm thiếu tướng, cũng trong năm này Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cử ông làm trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam sang giúp Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Lào. Ông được Pa Thét Lào cũng như Hoàng thân Phuma yêu mến bởi tính chân thành, thẳng thắn và làm việc, cống hiến hết mình cho nước Lào, được Vua Lào và Phathets Lào tặng Huân chương cao quý.

Đối với chiến trường Trị Thiên, ông là vị tướng gắn bó và để lại nhiều dấu ấn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được chỉ định là Bí thư Thuận Hóa (Huế) tháng 10/1945. Khi mặt trận Huế vỡ, năm 1946 ông ra Quảng Trị làm Chính ủy Trung đoàn 95 (Trung đoàn bộ đội chủ lực của Quảng Trị). Năm 1948 được cử làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính ủy Trung đoàn 95. Trong kháng chiến chống Mỹ vào những năm chiến tranh ác liệt, ông được điều chuyển vào chiến trường Trị Thiên năm 1965.

Năm 1966 Phân khu Trị Thiên tách ra khỏi Quân khu V để thành lập Quân khu Trị Thiên-Huế ông được cử làm Chính ủy Quân khu. Ông luôn có mặt ở các trận tuyến nóng bỏng chỉ huy các trận đánh lớn như trận Ba Lòng, La Vang, trận đánh vào thị xã Quảng Trị và chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở Huế. Năm 1971 do yêu cầu của cấp trên, ông được biệt phái sang làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục Kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục.

Tháng 10/1973 trong chuyến công tác vào vùng giải phóng Quảng Trị, lúc trở ra Hà Nội, gặp tai nạn bất ngờ, ông đã từ trần ngày 25/10/1973 để lại niềm tiếc thương cho nhiều người. Lễ tang của đồng chí ở Hà Nội đích thân đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng; đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội đến viếng. Điều đó cho thấy vai trò, vị trí quan trọng và những đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước.

Trải qua 40 năm công tác ở nhiều môi trường, vị trí, hoàn cảnh khác nhau, trong đó có 35 năm trong quân đội, ông Lê Chưởng được đánh giá là “một chính ủy mẫu mực, một vị tướng có đức, có tài” (theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Ông luôn sôi nổi nhiệt tình trong công việc nhưng cũng kiên định lập trường, không đầu hàng, khuất phục kẻ thù, luôn gần gũi yêu thương đồng chí, đồng đội, bạn bè, người thân.

Ít có cặp vợ chồng nào ở Quảng Trị trong những năm kháng chiến và xây dựng đất nước có những công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng như vợ chồng thiếu tướng Lê Chưởng. Không chỉ lịch sử Đảng bộ Quảng Trị mà lịch sử Bộ Quốc phòng, Bộ Nội thương, Quân khu IV và nhiều tỉnh, thành phố- những nơi mà đồng chí Lê Chưởng và Diệu Muội công tác đều ghi nhận công lao, đóng góp của họ.

Ở Quảng Trị để ghi nhớ chiến tích của một vị tướng tài ba này, có một con đường ở Phường 1, Đông Hà mang tên Lê Chưởng. Năm 2023 nhân dịp 50 năm ngày mất của liệt sĩ-thiếu tướng Lê Chưởng, Ban Liên lạc truyền thống CCB Quân khu Trị Thiên và gia đình tổ chức lễ khánh thành Nhà tưởng niệm liệt sĩ-thiếu tướng Lê Chưởng tại thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Quả là một cặp vợ chồng vinh hiển làm rạng danh cho dòng họ và quê hương, đất nước.

Hoàng Nam Bằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hai-vo-chong-deu-lam-thu-truong-185219.htm