Hai vợ chồng người gác tàu hàng tổng

- Nghe thấy tiếng còi kéo lên từng hồi và bóng tàu từ xa, người đàn ông vội kéo chiếc barie làm bằng tre chắn ngang đường. Cầm cờ hiệu chạy về phía bên kia đường sắt, bóng ông đổ dài trên mặt đường.

Mắt đảo quanh, ông hướng dẫn cho người dân đứng ở khoảng cách an toàn lúc tàu đến. Khi đoàn tàu đi khá xa, ông lại hối hả chạy về tháo chiếc barie cho mọi người đi qua. Gần 3 năm qua, ông cứ ăn chực nằm ở “điểm đen” giao thông này, chờ những đoàn tàu đi qua. Ông là Nguyễn Tử Dương, ở xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An. Dầm mưa, dãi nắng chờ tàu Chờ cho đoàn tàu chạy cho đến lúc khuất hẳn, ông quay trở vào chỗ bóng mát để nghỉ. Cầm chai nước uống hẳn một hơi dài, ông nói : “Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu chạy qua, làm nhiều rồi cũng thành quen, một ngày mà không thấy đoàn tàu, không nghe tiếng còi tàu là lại thấy nhớ”. Năm 1972, ông vào chiến trường Đông Nam Bộ. Trở về quê hương năm 1982, với thương tật 41%, cơ thể vẫn găm nhiều mảnh đạn, ông lại tự giao cho mình “nhiệm vụ” chiến đấu với những tai nạn đường sắt. Năm 2007, ông lập chốt barie để ngăn không cho người qua lại khi tàu chạy qua. Thanh chắn barie được làm từ một cây tre nằm chênh vếch ở ngay lề đường. Mỗi khi có tàu đi đến là ông kéo nó xuống, còn bên kia đường quốc lộ không có thanh chắn nên ông phải cầm cờ hiệu để hướng dẫn người dân. Ông Dương cho biết: “Đoạn đường rất dễ xảy ra tai nạn, vì ngay cạnh đây có tới ba cái chợ và một trường học. Hơn thế, ở ngay chỗ ni cũng có nhiều người đứng đợi bắt xe khách”. Lúc đầu, ông được mọi người giúp đỡ dựng cho một cái lán nhỏ ngay gần đường để trú mưa trú nắng. Nhưng không hiểu sao, năm lần bảy lượt dựng đi dựng lại đều bị ai đó phá dỡ. Thế là gần nửa năm nay, ông đành phải chấp nhận dãi nắng dầm mưa chờ tàu. Do không có thiết bị dự báo trước nên việc xác định được lúc nào chạy qua cũng không phải việc đơn giản. Ông chia sẻ : “Làm nhiều nên có thể đoán được thời gian nào tàu sẽ chạy qua”. Ông vẫn nhớ những lần chính tay mình đã cứu sống được nhiều người trong gang tấc: Một chị chở hàng cồng kềnh bị mắc kẹt trên đường ray khi cố tình vượt qua khi tàu đến đã được ông đẩy hộ xe thoát ra kịp thời, hai em học sinh ở xã Nghi Thuận bị ngã ngay trên đường ray được ông bế ra. Nheo nheo đôi mắt nhìn về hướng mặt trời, ông đưa tay lau những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt rồi vặn nhỏ chiếc radio đút trong túi áo. Chiếc đài là vật bất ly thân của ông khi đợi tàu, vì thỉnh thoảng mới có mấy bác xe ôm gần đó đến trò chuyện cùng. Anh Trần Ngọc Hải, xã Nghi Thuận nói : “Lão ni tài lắm, không có chỗ trú thân vẫn gác tàu như thường. Lúc trước, mỗi năm đoạn đường này cũng có vài chục vụ tai nạn dẫn đến chết người, thế mà từ khi lão lập chốt barie, chỗ ni không còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm nữa mô”. Ốm đau đã có vợ Chuyến tàu đầu tiên trong ngày chạy qua vào khoảng 5h30’ đến 6h nên hôm nào ông cũng phải dậy sớm cơm nước rồi đạp xe từ nhà ra chốt trực. Khoảng thời gian từ khoảng 12h30’ đến 13h không có tàu chạy qua nên ông tranh thủ vế nhà ăn vội bát cơm với cà muối và bát canh rau muống, nhiều hôm ông không về thì vợ con mang cơm ra cho. Rồi lại tiếp tục công việc từ 13h cho đến chiều tối. Những lúc vết thương cũ tái phát do trái gió trở trời, hay bận việc, ông Dương giao việc túc trực chốt barie cho vợ. Ông Dương kể lại, thời gian đầu ông đi “vác tù và hàng tổng, vợ con phản đối rất ghê.:“Nhưng bây giờ nhiều khi vợ con cũng “vác” hộ tôi nữa đấy”. Nhiều khi ốm chưa khỏi bệnh, ông cũng cố gượng dậy ra trực chốt barie để vợ lo chuyện đồng áng. Cả nhà làm 6 sào ruộng thì đều do vợ xoay xở cả. Vợ ông, bà Võ Thị Nhung, năm này qua năm khác tất bật với đủ việc để nuôi hai người con ăn học, nhưng mỗi lần chồng bảo ra trực chốt barie thì đều gác lại mọi việc để giúp chồng. Ông Dương cũng chịu không ít điều phiền phức kể từ khi ra lập chốt barie. Đó là những đêm ông bị nhiều đối tượng hăm dọa, đùa giỡn nhưng với bản lĩnh của một người lính ông đã vượt qua để hoàn thành công việc. Cũng kể từ khi ra lập chốt barie ông không chỉ làm mỗi nhiệm vụ là bảo vệ mọi người khi tàu chạy qua, mà kiêm thêm việc đi nhặt những kim tiêm bị vứt chỏng chơ ở gần đường tàu do các đối tượng nghiện hút để lại. Liếc nhìn chiếc đồng hồ, như có cảm giác thường trực tàu sắp chạy qua, ông vội vàng cầm lấy chiếc cờ hiệu chạy vội ra vị trí công việc của mình. Dương Đình Hưng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/2009/07/1713287/