Hai vùng dược liệu ở Quảng Nam

Gần đây, tôi có dịp lên các huyện miền núi, bắt gặp nhiều mô hình bước đầu đem lại thành công trên cơ sở trồng và sản xuất dược liệu, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao của tỉnh.

Vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: BQN

Cây dược liệu có mặt ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, có loại mọc tự nhiên, có loại do người trồng tạo thành vườn dược liệu. Tuy nhiên, về mặt tự nhiên, có thể thấy rằng, ở Quảng Nam có 2 vùng dược liệu. Đó là vùng phía Tây Nam và phía Tây Bắc của tỉnh.

Vùng Tây Nam gồm các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn nổi tiếng bởi quế Trà My. Còn sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên tại núi Ngọc Linh từ độ cao trên 1.500m, chủ yếu ở khu vực thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My). Trong hơn 25 năm qua, thực hiện chủ trương phát triển sâm Ngọc Linh, vườn sâm giống được mở rộng ở Trà Linh với diện tích hơn 70ha và trồng trên địa bàn 9 xã của huyện với diện tích 810ha, khoảng 3 triệu cây sâm.

Ở khu vực thấp hơn tại vùng này, có cây sa nhân mọc rất nhiều, hạt sa nhân một thời là sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, Phước Sơn trồng 7,5ha sa nhân. Trong khi đó, năm 2017, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Mi đã phát hiện cây ba kích phân bố trên diện tích hơn 1.000ha. UBND huyện Phước Sơn đã đầu tư bảo vệ và cho lập quy hoạch phát triển rừng ba kích này.

Theo kết quả điều tra của của Sở KH-CN Quảng Nam phối hợp với Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trên địa bàn Quảng Nam có trên 832 loài dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Có những loài quý như sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam, chè dây, sâm bảy lá một hoa, châu thụ, ngân đằng… Ngoài ra, còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là: dủ dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ.

Vùng Tây Bắc gồm các huyện: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang. Trong chiến tranh, ở vùng Tây Bắc cũng đã phát hiện cây sâm K7 (lúc bấy giờ, vùng núi của tỉnh chia thành 7 khu).

Khác với sâm K5 (sâm Ngọc Linh), sâm K7 - tên thường dùng là đảng sâm, được gọi là sâm cho người nghèo. Qua thực tế, chúng tôi thấy, cây sâm Ngọc Linh thân cây mọc thẳng, thích hợp ở nơi có bóng mát, gần khe suối có độ ẩm, thích nghi dưới tán rừng. Còn sâm K7 là loại sâm dây, có thể bò trên mặt đất, hoặc leo lên chói. Sâm K7 thích nghi ở độ cao trên 1.200m, chủ yếu có ở 2 xã Ch’Ơm và Gari (Tây Giang) giáp với Lào.

Ngoài sâm K7, tại khu vực này có loại sâm bảy lá, một hoa, một loại dược liệu quý cần được nghiên cứu bảo tồn và phát triển. Còn cây ba kích ở vùng này lại thích nghi ở khu vực có độ cao thấp hơn như xã Lăng, Tr’Hy (Tây Giang). Cây chè dây thì thích nghi trên đất Đông Giang…

Qua 5 năm vận động thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tại Tây Giang đã phát triển hơn 1.000ha trồng đảng sâm và ba kích tím.

Ngoài việc phát triển cây dược liệu, các huyện miền núi cũng đã trồng và phát triển được các cây ăn quả có nguồn gốc bản địa như cây cam ở Gari (Tây Giang), bòn bon, ớt Ariêu (Đông Giang); đồng thời, phát triển các cây mới như thanh long, chuối giống mới…

Điều đáng mừng là các doanh nghiệp đã gắn kết với người dân để phát triển vùng nguyên liệu và đầu tư chế biến, tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm. Hầu hết các huyện của Quảng Nam cũng đã gắn với phong trào khởi nghiệp sáng tạo và chương trình OCOP.

Ở miền núi cao hình thành những hợp tác xã (HTX) kiểu mới sản xuất kinh doanh dược liệu như HTX Thiên Bình, HTX A Choong, xã Ch’Ơm. Ông Alăng Lo – Trưởng thôn A Choong (xã Ch’Ơm), Giám đốc HTX A Choong cho biết, đơn vị có kế hoạch trồng 12ha đảng sâm trong những năm tới.

Diện tích có khả năng trồng dược liệu ở vùng núi cao của Quảng Nam rất lớn. Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2030, tại khu vực miền núi cao sẽ trồng được khoảng 53 nghìn héc ta cây dược liệu, chiếm 83% diện tích trồng mới toàn tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi tỉnh tiếp tục có những giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư từ công tác giống, đến kỹ thuật ươm trồng, thu hoạch, chế biến, đặc biệt tạo nên chuỗi giá trị của sản phẩm đến người tiêu dùng.

NGÔ VĂN HÙNG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/kinh-te/hai-vung-duoc-lieu-o-quang-nam-151433.html