Hầm bộ hành vì sao vắng người qua?

Dù hiện đại, tiện lợi nhưng số lượng người sử dụng hầm bộ hành rất ít, thay vào đó họ vẫn lựa chọn cách qua đường 'truyền thống' bất chấp nguy hiểm giữa dòng phương tiện dày đặc.

Để đảm bảo sự an toàn cho người dân khi đi qua các trục đường lớn đồng thời nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, từ năm 2007 - 2008, UBND TP Hà Nội chính thức đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ với chi phí xây dựng hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể 23 hầm đi bộ được phân bổ: Đường vành đai 3 có 17 hầm, nút giao đường 32 với đường 70 có 4 hầm, 2 hầm đi bộ ở nội thành là Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt.

Các hầm được chia rõ ràng hai làn đi bộ và xe đạp. Hầm được giữ vệ sinh khá tốt, luôn có nhân viên vệ sinh túc trực và lau dọn thường xuyên. Khảo sát một số điểm cầu và hầm đi bộ, dù các công trình này đều được đầu tư trang bị tiện nghi, hiện đại, không gian rộng rãi, có mái che, cầu thang thuận tiện nhưng rất ít người sử dụng.

 Cột đèn, tủ điện đặt trước cửa hầm dành cho người đi bộ tại đường Nguyễn Xiển gây cản trở và mất mỹ quan đô thị

Cột đèn, tủ điện đặt trước cửa hầm dành cho người đi bộ tại đường Nguyễn Xiển gây cản trở và mất mỹ quan đô thị

Hầm đi bộ nút giao Đại Cồ Việt - Lê Duẩn là một trong số ít hầm của Hà Nội có chiều dài ngắn, chưa đầy 50m. Hầm có đèn chiếu sáng, sạch sẽ nhưng rất ít người qua lại. Nếu có thì phần lớn là những người đi tập thể dục.

Đang thong dong đi bộ tập thể dục, bác Phạm Thị Hải (64 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Sáng nào tôi cũng đi bộ tập thể dục qua hầm, vừa sạch sẽ, mát mẻ lại không vướng xe cộ. Chỉ không hiểu sao, hầm ít người đi quá. Thời điểm hầm đi bộ đông người nhất là vào những ngày hè nắng nóng cao điểm. Nhiều xe ôm, người lao động vào hầm tránh nóng”.

Người bạn đồng hành cùng cô Hải thêm lời: “Hầm rất ít người qua lại, thông thoáng nhưng chúng tôi chỉ dám đi qua ban ngày, tối đến không dám đi vì sợ trộm cướp, hút chích. Mấy lần đi bộ buổi sáng, tôi thấy kim tiêm vứt ở góc hầm nên cũng rợn người”. Hầm đi bộ nút giao Ngã Tư Sở cũng trong tình trạng tương tự.

Hầm Ngã Tư Sở hiện đại, sạch sẽ là nơi “lý tưởng” cho người dân xuống tập thể dục hàng ngày

Trái ngược với đó, tại các ngã ba, ngã tư, nhiều người đi bộ nối nhau sang đường. Thậm chí, họ còn băng qua đường ở nơi không có vạch đi bộ, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông. Bác Nguyễn Thị Bích Liên (58 tuổi, quân Đống Đa, Hà Nội) than thở: “Hầm sâu quá, bước xuống hầm mà phải nghỉ tận 2 lần. Hệ thống hầm đi bộ khá lằng nhằng, sơ đồ khó hình dung. Có lần tôi đi từ bên đường Láng về nhà bằng hầm đi bộ Ngã Tư Sở phải mất tới 15 phút. Đặc biệt, tôi thấy hầm có được dọn dẹp nhưng do ý thức người dân không giữ sạch sẽ. Có người còn xuống hầm đi bộ để… vệ sinh”.

Phần lớn các hầm đi bộ có hệ thống thông gió kém do thiết kế chỉ có một quạt, ánh sáng thiếu, biển chỉ dẫn, thông báo chưa thuận tiện để người dân nhận biết, sử dụng. Nhiều hầm đi bộ có tình trạng xuống cấp. Phía bên ngoài cửa hầm từ lâu đã trở thành nơi tập kết đồ phế thải hay quán nước.

Được biết, để hoàn thành và đưa vào sử dụng mỗi hầm đi bộ, Thành phố phải đầu tư khoảng 7 tỷ đồng. Tính ra, Thủ đô đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống này. Tiền bỏ ra nhiều còn người dân thì không mấy mặn mà dẫn đến lãng phí.

Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với hầm bộ hành, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, Sở ưu tiên đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào các bậc học phổ thông để từng bước tạo ý thức, văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Sở đề nghị với cơ quan chức năng nâng chế tài xử phạt, đồng thời mạnh tay xử lý người đi bộ không đúng nơi quy định.

“Về lâu dài, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cầu vượt, hầm bộ hành bảo đảm phù hợp, thuận tiện cho người tham gia giao thông. Đồng thời, Sở nghiên cứu, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành, như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất an toàn giao thông...”, một lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội cho biết.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ham-bo-hanh-vi-sao-vang-nguoi-qua-152142.html