Hạm đội Hải quân Iran sẵn sàng hộ tống tàu chở dầu về nước

Hải quân Iran tuyên bố sẵn sàng điều một hạm đội tới hộ tống tàu chở dầu Adrian Darya-1, trước đó có tên gọi Grace 1, rời khỏi vùng Địa Trung Hải và đưa về nước.

Sau khi thay đổi diện mạo, tàu chở dầu Grace 1 chuyển thành tàu Adrian Darya. Ảnh: AP

Sau khi thay đổi diện mạo, tàu chở dầu Grace 1 chuyển thành tàu Adrian Darya. Ảnh: AP

Theo trang tin điện tử Iran IFP, trong buổi họp báo tại Tehran tổ chức ngày 18/8, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi - Tư lệnh Hải quân Iran - cho biết lực lượng này sẵn sàng điều động một hạm đội hải quân đi hộ tống tàu chở dầu Adrian Darya 1.

“Bất cứ khi nào chính phủ có ý định, chúng tôi sẽ sẵn sàng triển khai một hạm đội hải quân tới hộ tống tàu Adrian Darya”, Chuẩn Đô đốc Hossein nhấn mạnh.

Ảnh: AP

Sau khi “thay đổi diện mạo” với tên mới và gắn cờ Iran, tối muộn 18/8, tàu Adrian Darya 1 mang theo 130 triệu USD dầu thô nhẹ chính thức rời khỏi cảng biển Gibraltar – lãnh thổ hải ngoại của Anh.

Theo dữ liệu theo dõi qua hệ thống GPS trên trang mạng Marinetraffic.com, không lâu sau khi khởi hành, tàu Adrian Darya 1 di chuyển chậm về phía Nam trước khi ngoặt sang hướng Đông tiến về eo biển hẹp trên vùng biển quốc tế ngăn cách Morocco và Bán đảo Iberian.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Hamid Baeidinejad - Đại sứ Iran tại Anh - khẳng định siêu tàu chở dầu trên hướng ra vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, điểm đến chính xác của con tàu vẫn còn là một bí ẩn.

Video tàu chở dầu Iran Adrian Darya 1 rời khỏi Gibraltar (nguồn: Sputnik):

Trước đó một tháng, tàu Grace 1 bị Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ vì nghi ngờ đem dầu sang Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với quốc gia Trung Đông.

Tuy nhiên, sau khi nhận được thư đảm bảo từ phía Iran rằng tàu Grace 1 "không bao giờ đi tới một thực thể bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt", chính quyền và Tòa án Tối cao Gibraltar quyết định dỡ bỏ lệnh bắt giữ và thả tàu chở dầu Iran.

Khi được biết Gibraltar ra lệnh thả, ngày 16/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra lệnh bắt lại tàu Grace 1. Bộ này cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) có âm mưu tiếp cận phi pháp hệ thống tài chính Mỹ để hỗ trợ các chuyến hàng trái phép từ Iran tới Syria.

Theo lệnh bắt giữ, con tàu này cùng với toàn bộ dầu trên tàu sẽ bị tịch thu do vi phạm Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) và dựa trên các quy chế tịch thu tài sản do gian lận ngân hàng, rửa tiền, khủng bố.

Tuy nhiên, giới chức Gibraltal ngày 18/8 từ chối thực hiện yêu cầu của Mỹ về việc giữ lại tàu chở dầu Iran Grace 1, với lý do Gibraltal hoạt động theo luật pháp EU và có sự khác biệt trong biện pháp trừng phạt Iran giữa Mỹ và EU. “Lệnh trừng phạt của EU đối với Iran - được áp dụng tại Gibraltar – có phạm vi hẹp hơn nhiều so với lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng”, tuyên bố của chính quyền Gibraltar đề cập.

Trước khi rời khỏi Gibraltar, tàu Grace-1 đã được sơn lại tên mới và treo cờ Iran thay cho cờ Panama. Đại sứ Baeidinejad bác bỏ các cáo buộc rằng Tehran đổi tên tàu nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông khẳng định động thái này là để phù hợp với các quy định hàng hải quốc tế.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, cơ quan vận tải Astralship ở Gibraltar - đơn vị được thuê để xử lý các thủ tục giấy tờ và sắp xếp hậu cần cho tàu Adrian Darya – cho biết một nhóm thủy thủ mới bao gồm các công dân Ấn Độ và Ukraine dự kiến thay thế thủy thủ đoàn cũ.

Quyết định thả tàu chở dầu Iran được đưa ra trong bối cảnh cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa Tehran và Washington sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, đồng thời tái áp đặt các vòng trừng phạt mới nhằm bóp nghẹt ngành dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/ham-doi-hai-quan-iran-san-sang-ho-tong-tau-cho-dau-ve-nuoc-20190819103245808.htm