Hâm mộ cũng rất cần văn hóa

Vậy là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) với khẩu hiệu 'Thể thao - Sống trong hòa bình' tại Campuchia đã khép lại. Đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn với 136 HCV, 105 HCB, 114 HCĐ.

Trong thành tích chung đáng tự hào đó có sự đóng góp của các tuyển thủ Đội tuyển bóng đá nữ với việc bảo vệ thành công ngôi vô địch và Đội tuyển U22 bóng đá nam với tấm HCĐ.

Về chiến thắng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Mai Đức Chung thì không có điều gì để bàn cãi. Đó là một chiến thắng thuyết phục, đem lại niềm tự hào cùng niềm vui cho người hâm mộ.

Chuyện cần bàn ở đây là kết quả thi đấu không được như kỳ vọng của đội tuyển U22 bóng đá nam, chính xác hơn là sự phản ứng của cộng đồng mạng và người hâm mộ đối với sự kiện này.

Vẫn biết là người hâm mộ yêu môn thể thao vua luôn mong ước đội tuyển của chúng ta giành chiến thắng. Và sự thật, từ SEA Games 32 đội tuyển U22 của chúng ta đã mang về cho đất nước tấm Huy chương đồng, điều không phải đội tuyển nào cũng đạt được.

Điều đáng tiếc ở đây là những phản ứng không đáng có, không đúng mức nhân danh người hâm mộ trước những diễn biến trong hành trình thi đấu của đội tuyển U22, mà rõ nhất là phản ứng không thể chấp nhận của không ít người trước trận thua U22 Indonesia của thầy trò huấn luyện viên Troussier ở vòng bán kết.

Phải thừa nhận là chúng ta đã thua, và thua một cách vô cùng đáng tiếc. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để nhiều người cho mình cái quyền chỉ trích, phê phán, đưa ra những bình luận, ý kiến cực đoan, phiến diện về trình độ, tinh thần thi đấu của các tuyển thủ.

Đúng là các tuyển thủ có những sai lầm, sơ sảy, có những điều chưa hợp lý trong đấu pháp… nhưng không thể vì thế mà phủ nhận những cố gắng và thành tích của các em, ở độ tuổi còn rất trẻ. Lại có ý kiến phê phán các tuyển thủ của chúng ta thi đấu “bạc nhược”, “vô hồn”.

Tệ hơn cả, là sự phủ nhận những gì mà HLV Troussier đã cố công xây dựng cho lứa U22 được coi là "yếu nhất" trong nhiều năm vừa qua chỉ trong thời gian vỏn vẹn 2 tháng.

Đó có thể coi là thái độ bất công, thậm chí có thể nói không quá lời là vô ơn khi thầy trò ông Troussier đã cống hiến cho chúng ta những trận đấu khá hay, ngay cả trong trận thua Indonesia cũng vậy. Phải chăng người hâm mộ Việt Nam đã quá khắt khe, đã quá quen với những chiến thắng của các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo? Và vì vậy tấm HCĐ chưa làm số đông người hâm mộ hài lòng, mặc dù chúng ta đều biết rằng trong thi đấu thể thao, huy chương nào cũng đáng quý.

Cần phải biết rằng ông Trousier mới chỉ cầm quân có 2 tháng, và lứa cầu thủ của chúng ta đều còn rất trẻ, hầu hết đều thiếu kinh nghiệm trận mạc, chưa được cọ xát. Cũng cần nhớ là các tuyển thủ đang được dẫn dắt chuyển lối đá từ phòng ngự phản công thời thầy Park, sang lối chơi kiểm soát bóng hiện đại theo triết lý bóng đá của ông Troussier.

Và theo quy luật, học cái mới, cái hiện đại bao giờ cũng khó, thậm chí phải chấp nhận cả những lần thất bại. Vậy nên, điều quan trọng không chỉ là màu của tấm huy chương, mà còn là qua giải đấu, các cầu thủ và cả tập thể đội tuyển dần nhận biết những điểm mạnh, điểm yếu của mình đặng có hướng đi phù hợp trong tương lai.

Một lứa trẻ chưa được cọ xát nhiều vẫn cho thấy tâm lý vững vàng và không bỏ cuộc trước khó khăn hoàn toàn có thể để chúng ta trân trọng và tin tưởng. Cuối cùng, với tấm HCĐ, không thể nói SEA Games 32 là một SEA Games thất bại với bóng đá nam Việt Nam!

Mong rằng, với tình yêu bóng đá nước nhà, với sự tôn trọng cần thiết, người hâm mộ sẽ biết chờ đợi, sẻ chia với các tuyển thủ cùng người thuyền trưởng của họ. Và đó cũng là nét văn hóa mà người hâm mộ cần có!

Lê Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ham-mo-cung-rat-can-van-hoa.html