Hàm ý chính sách từ việc Chủ tịch Tập Cận Bình 21 tháng không ra nước ngoài

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng bóng trong các cuộc gặp mặt trực tiếp với lãnh đạo thế giới cho thấy Bắc Kinh muốn tập trung vào các vấn đề trong nước, miễn cưỡng trong thỏa hiệp trên trường quốc tế - tờ New York Times đăng bài bình luận.

Ông Tập Cận Bình (trái) trong cuộc gặp với Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi tại Naypyidaw ngày 17/1/2020. Ảnh: Reuters

Ông Tập Cận Bình không nằm trong số các nguyên thủ trực tiếp tham dự Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome và Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Anh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng chưa một lần gặp mặt với Tổng thống Mỹ Joe Biden và cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp Mỹ-Trung gần như ít có khả năng diễn ra sớm.

Ông Tập Cận Bình chưa một lần xuất ngoại trong 21 tháng qua. Giới chức Trung Quốc ngầm nói rằng các quy định về kiểm soát COVID-19 là lý do chính khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc ít công du nước ngoài. Nhưng ẩn sau đó có thể là tính toán của Trung Quốc, theo hướng dịch chuyển ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại.

Trung Quốc giờ đây không còn thấy bắt buộc phải hợp tác hoặc cố tình tỏ ra có thiện chí hợp tác với Mỹ và đồng minh về nhiều chủ đề vượt ra ngoài các điều kiện, tiêu chí do Bắc Kinh đặt ra. Thay vào đó, Trung Quốc chuyển sang hướng nội, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho ông Tập Cận Bình và guồng máy chính trị trong nước, nổi bật là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra vào năm sau. Hệ quả là ngoại giao đối mặt giờ thuộc diện ít được ưu tiên hơn so với thời điểm năm đầu tiên ông Tập lên nắm quyền.

Gần một năm trước đây, ông Tập Cận Bình đã có nhượng bộ nhất định để ký được thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu (EU), một phần là để cô lập, phân hóa, giảm sức ép từ Mỹ. Nhưng thỏa thuận nhanh chóng bị đóng băng sau những rạn nứt, đối đầu về trừng phạt chính trị trả đũa lẫn nhâu giữa Trung Quốc và EU. Kể từ đó, Bắc Kinh từ chối lời mời gặp gỡ lãnh đạo châu Âu trong năm 2021.

Theo Helena Legarda, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc không công du nước ngoài đã loại trừ hoặc giảm thiểu cơ hội gặp gỡ can dự ở tầm thượng đỉnh. Đó có thể là thiếu sót, bởi ngoại giao trực diện có tiếng nói riêng, các cuộc gặp trực tiếp đóng vai trò rất thiết yếu trong xử lý những thách thức, bất đồng tồn tại và giúp giảm căng thẳng.

Mới năm năm trước, xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch Tập Cận Bình nổi lên như một “người bảo vệ trật tự toàn cầu” khi ông Donald Trump kéo nước Mỹ thoái lui với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”. Thế nhưng sẽ rất khó để nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện vị thế này nếu ông chỉ ở trong biên giới Trung Quốc, nước hiện về cơ bản vẫn đóng cửa với thế giới để phục vụ công tác ngăn chặn, kiểm soát COVID-19.

Nhưng nói thế không có nghĩa Trung Quốc từ bỏ ngoại giao. Cùng với Nga, Trung Quốc đảm nhận vai trò dẫn dắt trong đàm phán với Taliban sau khi lực lượng này lên nắm quyền ở Kabul. Ông Tập Cận Bình cũng có các cuộc điện đàm với lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và mới đây là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson. Tại Rome, Ngoại trưởng Vương Nghị là người thay mặt nhà lãnh đạo Trung Quốc dự thượng đỉnh G20. Ông Tập Cận Bình cũng có bài phát biểu được ghi hình trước tại COP26.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị đa dạng sinh học LHQ ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, ngày 12/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi ông Biden lên tiếng về việc tạo lập “một liên minh của các nền dân chủ” để đối phó thách thức đến từ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng tìm kiếm các quan hệ đối tác cho riêng mình, nổi bật là với Nga và các nước đang phát triển, nhằm phản bác lại cái mà ông cho là thói “đạo đức giả phương Tây”.

Sự vắng bóng của ông Tập không ảnh hưởng nhiều đến đường hướng đối ngoại này. “Liên quan đến ngoại giao với thế giới đang phát triển – nơi chiếm đa số các quốc gia trên thế giới, tôi tin rằng việc ông Tập Cận Bình không công du nước ngoài không phải là bất lợi lớn”, Neil Thomas, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Eurasia Group có trụ sở ở New York, Mỹ, bình luận.

Dù sao việc Chủ tịch Trung Quốc dừng công du nước ngoài vẫn gây ngạc nhiên, nhất là khi so sánh với tần suất thăm viếng dồn dập ông từng thực hiện. Lần gần nhất nhà lãnh đạo Trung Quốc ra khỏi biên giới là tháng 1/2020, khi ông thăm Myanmar, chỉ vài ngày trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán. Ông Tập Cận Bình cũng ít đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới tới Trung Quốc. Lần cuối cùng ông tiếp một quan chức nước ngoài là tháng 3/2020, tại cuộc gặp với Tổng thống Pakistan Arif Alvi ở Bắc Kinh.

Ngược lại, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Chủ tịch Tập Cận Bình trung bình một năm đi thăm 14 quốc gia, có 34 ngày đi công du nước ngoài – theo tính toán của chuyên gia Thomas. Con số này vượt trội so với ông Barack Obama (25 ngày) hay ông Donald Trump (23 ngày).

Theo Victor Shih, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, việc ông Tập hạn chế thăm viếng ngoại giao trùng hợp với với thời điểm luồng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc lên cao trào, át đi nhu cầu hợp tác hay thỏa hiệp với bên ngoài.

“Ông ấy không còn cảm thấy cần phải có sự ủng hộ quốc tế cho bằng được khi đã có sự hậu thuẫn mạnh mẽ ở trong nước, giữ quyền lực kiểm soát. Ở thời điểm hiện tại, những nỗ lực [của Trung Quốc] nhằm lôi cuốn Mỹ hay các nước châu Âu không còn mạnh mẽ như trong nhiệm kỳ đầu nắm quyền của ông Tập Cận Bình”, Giáo sư Shih bình luận.

Hoài Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ham-y-chinh-sach-tu-viec-chu-tich-tap-can-binh-21-thang-khong-ra-nuoc-ngoai-20211102160948464.htm