Hạn chế tình trạng cán bộ y tế vùng cao nghỉ việc

Biên chế đóng, chỉ tiêu tuyển mới ít nhưng năm nào ngành y tế tỉnh Ðiện Biên cũng diễn ra tình trạng bác sĩ, dược sĩ có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản bỏ việc để về xuôi. Thực trạng này không chỉ gây xáo trộn trong cán bộ, nhân viên của ngành mà còn ảnh hưởng không nhỏ chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.

Cán bộ Trạm Y tế xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Ðiện Biên khám bệnh cho người dân.

Trước thực trạng ngày càng nhiều cán bộ, viên chức trong ngành bỏ việc về xuôi, ngày 24-1-2018, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðiện Biên đã ký công văn gửi các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố với đề nghị vừa khẩn thiết vừa khuyến cáo: "Không tiếp nhận, sử dụng bác sĩ tự ý bỏ việc tại tỉnh Ðiện Biên". Công văn nêu đích danh hai thạc sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Ða khoa tỉnh và Trung tâm Giám định y khoa đã tự ý bỏ việc cơ quan cũ sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nâng cao. Cũng như nhiều trường hợp khác, trước khi đi học, những bác sĩ này đều làm đơn với cam kết "sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ trở lại cơ quan (tại tỉnh Ðiện Biên) công tác lâu dài". Trong suốt thời gian đi học, những cán bộ này đều đặn nhận đầy đủ lương cùng các khoản thanh toán chi phí học hành, nhưng khi cầm bằng tốt nghiệp họ đã không trở lại như đã cam kết, mà đến những đơn vị có thu nhập hấp dẫn hơn. Cùng đợt học với hai bác sĩ nêu trên, có tám bác sĩ khác ở trung tâm y tế các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên và TP Ðiện Biên Phủ, cũng tự ý bỏ việc về xuôi.

Không chỉ có kinh nghiệm công tác, hầu hết các bác sĩ bỏ việc đều được cơ quan đánh giá là có trình độ kỹ thuật cao, là niềm hy vọng của đơn vị và hàng nghìn người dân trên địa bàn họ từng công tác. Trao đổi với chúng tôi về trường hợp hai bác sĩ bỏ việc tại đơn vị, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng Bùi Thanh Hải thừa nhận: Rất tiếc về hai đồng chí ấy, nhưng cá nhân tôi và cả tập thể cũng không biết làm thế nào.

Thừa nhận thực trạng báo động đã nhiều năm, nhưng khi được hỏi thì phần lớn những người liên quan đều "khéo léo" tránh nói thẳng vấn đề. Còn theo ông Ðinh Danh Tuân, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Ðiện Biên, ngoài nguyên nhân chung là thu nhập, điều kiện làm việc, chế độ chính sách dành cho cán bộ y tế ở vùng cao còn thiếu hấp dẫn và chênh lệch khá lớn so với ở đồng bằng, Trung ương thì phía địa phương cũng chưa thật sự có cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân lực cho ngành đặc thù, trong khi các tỉnh như: Phú Thọ, Lào Cai… sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng thu hút bác sĩ, dược sĩ về địa phương làm việc. Một nguyên nhân khá tế nhị là tình trạng "gửi" người nhà từ các tỉnh khác vào biên chế lấy chỉ tiêu đi học rồi chuyển vùng. Ðây là nguyên nhân gây bức xúc với người trong ngành và nhân dân địa phương. Bởi trong khi người địa phương được đào tạo trong tỉnh không xin được việc thì người nơi khác lại dễ dàng có việc làm và coi đó như bước đệm cho mục tiêu chuyển vùng đã được "hoạch định" sẵn. Ông Ðinh Danh Tuân cho biết, mỗi năm có hàng trăm học sinh Trường cao đẳng Y tế Ðiện Biên tốt nghiệp ra trường nhưng chỉ số ít các em may mắn được tuyển dụng vào ngành. Còn hầu hết đi làm thuê, chờ đợi làm cộng tác viên cho những dự án y tế cơ sở... Trong khi học sinh nơi khác lại vào ngành chỉ để được đi học rồi bỏ ngành về xuôi.

Điện Biên là tỉnh nghèo, nhiều khó khăn, trong đó khó khăn về y tế rất đặc thù. Ngành y tế tỉnh hiện có gần 3.300 cán bộ viên chức, trong đó 664 bác sĩ và 62 dược sĩ đại học chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe hơn 570 nghìn dân thuộc 130 xã, phường, thị trấn. Ở nhiều cơ sở y tế tuyến huyện không có dược sĩ nào có bằng đại học, thậm chí có nơi không có cả dược sĩ trung cấp, vì hầu hết họ tập trung về tỉnh. Ngay cả khi đã làm việc nhiều năm tại tuyến tỉnh, nhiều người vẫn không yên tâm công tác; không ít dược sĩ, bác sĩ đã và đang tìm cách chuyển vùng, thậm chí là bỏ việc khi có cơ hội tốt hơn. Trong khi thực tế, cuối năm 2017, toàn tỉnh còn nhiều huyện, như: Nậm Pồ, Mường Nhé, tỷ lệ bác sĩ mới đạt gần 50% so với trung bình cả nước... Bởi thiếu hụt nhân lực đào tạo bài bản, có kinh nghiệm cho nên công tác khám, chữa bệnh tại nhiều huyện vùng cao của Ðiện Biên còn nhiều hạn chế; tại huyện này, xã kia có nhiều người bệnh phải chuyển tuyến cấp cứu dù chỉ bệnh thông thường. Cũng vì khó khăn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho nên Ðiện Biên luôn nằm trong diện được Bộ Y tế quan tâm đặc biệt, thường xuyên tăng cường các đoàn bác sĩ trẻ lên hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh.

Khi thống kê số bác sĩ, dược sĩ đã thôi việc, chuyển công tác từ năm 2015 đến năm 2017, Giám đốc Sở Y tế Ðiện Biên Triệu Ðình Thành vừa không khỏi buồn rầu: Khắc phục thiếu hụt nguồn lực bác sĩ ở các tuyến, nhất là tuyến huyện, xã, ngành y tế đã thực hiện chế độ đào tạo bác sĩ theo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, song chẳng khả quan hơn. Vì số bác sĩ được đào tạo trở về địa phương công tác hằng năm cũng bằng số bác sĩ, dược sĩ chuyển vùng và thôi việc. Cứ người mới về thì người cũ đi, thậm chí nhiều người vừa cầm bằng cũng bỏ đi luôn. Giai đoạn 2015 - 2017, ngành y tế Ðiện Biên đã có 25 bác sĩ, dược sĩ bỏ việc, chuyển vùng. Năm nào ngành cũng đề ra các giải pháp, như: Tuyên truyền, vận động để khơi dậy tình yêu, nhiệt huyết cống hiến trong trái tim người thầy thuốc. Cùng với đó là thực hiện nghiêm các quy định tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn theo đúng vị trí việc làm, nhưng hiệu quả không cao. Vì vậy, thời gian tới có thể ngành sẽ thực hiện biện pháp cứng rắn hơn, kể cả phải kiện ra tòa đòi bồi thường chi phí đào tạo và các chi phí khác.

Những ngày này, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế Ðiện Biên đang nỗ lực hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (1-5-1953 - 1-5-2018). Tuy nhiên, trong số cán bộ ấy có không ít người vẫn lại đang nhấp nhổm phép tính ở lại, về xuôi. Làm thế nào để thu hút, giữ chân người tài, có năng lực, gắn bó lâu dài yên tâm cống hiến với ngành, có lẽ vẫn là bài toán khó đối với ngành y tế Ðiện Biên. Bên cạnh các biện pháp ngành y tế đã triển khai, việc sớm có những giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương, nhanh chóng tháo gỡ các bất cập, khơi dậy và tạo động lực làm việc, cống hiến từ chính bản thân mỗi cán bộ, nhân viên trong ngành... như kiến nghị của nhiều cán bộ, bác sĩ lâu năm tại địa phương có lẽ cũng là điều cần thiết để ngành y tế Ðiện Biên nhanh chóng giải quyết tình trạng này.

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/35978402-han-che-tinh-trang-can-bo-y-te-vung-cao-nghi-viec.html