Hạn chế tử vong mẹ và trẻ nhờ cô đỡ thôn bản

Nhận thức được những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản (CĐTB) người DTTS cho các vùng khó khăn. Đây là giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc trẻ sau sinh.

Cô đỡ thôn bản hướng dẫn chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh tại Điện Biên. Ảnh: Minh Thu

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc sinh sống, trong đó, trên 80% là DTTS. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm hơn 44,8%. Hệ thống giao thông đến các xã, bản ở Điện Biên còn nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực của cán bộ y tế cơ sở còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, do phong tục, tập quán nên cán bộ y tế rất khó tiếp cận với đồng bào dân tộc, nhất là người Mông khi sinh nở. Đó là rào cản lớn nhất, cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ sinh tại nhà của tỉnh Điện Biên rất cao. Năm 2011, tỉ lệ sinh tại nhà chủ yếu tập trung là dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên là 54%, năm 2017 giảm xuống còn 44%. Tình hình chết mẹ, chết trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh Điện Biên hầu hết trong nhóm dân tộc này.

Trước thực trạng đó, Điện Biên đã được Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa đào tạo CĐTB theo chương trình chuẩn của Bộ Y tế cho các bản đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2016, Điện Biên đã đào tạo được 217 cô đỡ cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Đến nay, còn 195 cô đỡ thôn bản đang hoạt động, đáp ứng được 30% nhu cầu.

Trong thực tế, mô hình CĐTB đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm đáng kể tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại Điện Biên. Theo thống kê, tình trạng tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh trên toàn tỉnh Điện Biên có xu hướng giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2012, tỉ suất tử vong sơ sinh là 12,5%o thì đến năm 2016 chỉ còn 9,3%o. Cũng trong giai đoạn này, tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 36,8%o xuống còn 33,8%o và tỉ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm từ 68,9 năm 2012 xuống còn 65,2 năm 2016.

Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế cho biết, từ khi CĐTB đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm đến nay, đã có gần 3.000 CĐTB đang hoạt động trong tổng số 8.165 thôn, bản khó khăn.

Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Năm 1990, tỉ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam vào khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống, cao gấp 4 lần so với thời điểm hiện tại. Tử vong mẹ tại vùng sâu, vùng xa thậm chí còn cao hơn rất nhiều, cá biệt có dân tộc, tỉ lệ tử vong mẹ lên tới hơn 1.000/100.000 trẻ đẻ sống. Tuy nhiên, từ khi chương trình đào tạo và sử dụng CĐTB được thực hiện cho đến nay, tỉ lệ tử vong mẹ ở vùng DTTS và miền núi đã giảm đi rõ rệt.

Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế, việc tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới CĐTB đã góp phần giảm sự bất bình đẳng của người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản. Qua đó, góp một phần quan trọng vào việc giảm tử vong mẹ và sơ sinh tại các vùng DTTS và miền núi khó khăn của Việt Nam, duy trì kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 4 và 5, hướng tới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào năm 2030 của Việt Nam.

Việt Nam thực hiện thành công việc giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi từ 58%o vào năm 1990 xuống còn 21,8%o vào năm 2016; tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4%o năm 1990 xuống còn 14,5%o năm 2016. Trong giai đoạn 2015-2017, cùng với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ các ca sinh do CĐTB đỡ đẻ tăng lên nhiều, cùng với đó là tử vong trẻ sơ sinh giảm ở tất cả 10 tỉnh miền núi (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Đắk Nông).

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc... Đặc biệt, tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS vẫn cao hơn từ 3-4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị. Chính vì vậy, việc đào tạo CĐTB dù chỉ là giải pháp tạm thời nhưng được xác định là phù hợp và hiệu quả giúp giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Giải pháp này vẫn rất cần thiết và hữu ích trong 1-2 thập kỷ tới.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/han-che-tu-vong-me-va-tre-nho-co-do-thon-ban/