Hạn chế ủy quyền cho cấp phó tiếp dân

Việc ủy quyền cho cấp phó tiếp dân ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng trong công tác tiếp dân nên kết quả tiếp công dân thường là chuyển đơn, hứa hẹn để giải quyết hoặc ghi nhận nội dung, ý kiến của người dân…dẫn đến nhiều trường hợp người dân không muốn cấp phó trực tiếp tiếp dân.

Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần giảm phát sinh khiếu nại, (Ảnh minh họa theo baogialai.com.vn)

Hoạt động tiếp công dân có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Hệ thống các cơ quan nhà nước là để phục vụ nhân dân, cán bộ, công chức là công bộc của dân và nhân dân chính là người làm chủ của đất nước.

Mọi hoạt động của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước đều được nhân dân giám sát trực tiếp hoặc thông qua cơ quan, tổ chức đoàn thể khác để giám sát; nhân dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mọi hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Triển khai Luật Tiếp công dân năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đến nay các cấp, các ngành đều triển khai nghiêm túc, đã kiện toàn về tổ chức, bộ máy tiếp dân đi vào hoạt động có hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này”.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì lý do khách quan Chủ tịch UBND tỉnh không sắp xếp được thời gian để trực tiếp tiếp công dân nên ủy quyền cho cấp phó tiếp dân. Việc ủy quyền cho cấp phó tiếp dân ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng trong công tác tiếp dân nên kết quả tiếp công dân thường là chuyển đơn, hứa hẹn để giải quyết hoặc ghi nhận nội dung, ý kiến của người dân…dẫn đến nhiều trường hợp người dân không muốn cấp phó trực tiếp tiếp dân.

Theo quy định của Luật Tiếp công dân thì trách nhiệm tiếp dân là của người đứng đầu, đồng thời với tư cách là người đứng đầu thì có thẩm quyền giải quyết được những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất mà không phải chờ đợi.

Do vậy, nhiều người dân đến trụ sở tiếp dân thường hỏi cán bộ tiếp dân là hôm nay ai tiếp, có trường hợp người dân không chịu cấp phó tiếp nên phải bỏ thời gian tháng này qua tháng nọ để được người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân.

Việc ủy quyền cho cấp phó tiếp dân dẫn đến việc tiếp dân không hiệu quả, những vấn đề cấp phó không thể trực tiếp quyết định và giải quyết một cách hiệu quả, phải chờ xin ý kiến chỉ đạo…

Do vậy, cần phải xác định trách nhiệm tiếp công dân là trách nhiệm của người đứng đầu, hạn chế tình trạng ủy quyền cho cấp phó trong việc tiếp công dân. Có như vậy công tác tiếp dân mới thực sự phát huy hiệu quả, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/han-che-uy-quyen-cho-cap-pho-tiep-dan-3673432-c.html