Hàn gắn và hòa giải theo cách người nghệ sỹ

Tôi gặp David Thomas tại Tọa đàm 'Vai trò xúc tác của Nghệ thuật trong Thay đổi và Hòa giải' diễn ra vừa qua tại Đại sứ quán Mỹ. Trong mắt tôi, ông là một nghệ sỹ thật đặc biệt.

Trở lại Việt Nam sau cuộc chiến, trước khi cả hai nước bình thường hóa quan hệ, vượt qua ký ức của một người lính từng tham chiến tại Việt Nam, ông David Thomas đã viết lên những câu chuyện ngoại giao nhân dân dung dị mà ý nghĩa.

“Cánh cửa luôn mở”

David Thomas kể, năm 1987, 7 năm trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và 8 năm trước khi bình thường hóa quan hệ hai nước, ông đến Việt Nam cùng một nhóm các nhà giáo dục trong Dự án Hòa giải Đông Dương của Mỹ. Đây là lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam kể từ khi hoạt động với tư cách nghệ sỹ/kỹ sư chiến đấu cho Quân đội Mỹ tại Pleiku, miền Nam Việt Nam (năm 1969-1970).

Trong chuyến đi này, ông Thomas đã gặp ông Nguyễn Văn Chung - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Từ đó, ý tưởng cho một dự án lớn đầu tiên về trao đổi văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam được hình thành. Ông là người Mỹ đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật dành cho 40 họa sĩ hai nước Việt Nam - Mỹ, mang tên Nhìn từ hai phía (As Seen From Both Sides, American And Vietnamese Artist Look At The War), năm 1991.

David Thomas khi còn phục vụ trong quân ngũ. (Nguồn: Getty Images)

Năm 2007, David Thomas lại có một kỷ niệm cảm động nhân chuyến sang Việt Nam lần thứ 50 bằng sự ra đời cuốn sách về cuộc đời nghệ thuật của Huỳnh Phương Đông, một họa sĩ - người lính ở phía bên kia chiến tuyến với ông năm nào. Cuốn sách với tiêu đề Huỳnh Phương Đông - góc nhìn chiến tranh và hòa bình giới thiệu sự nghiệp nghệ thuật của người họa sỹ có hơn 30 năm trong quân ngũ với khoảng 17 nghìn sáng tác trên mọi chất liệu, từ sơn mài, lụa đến bất kỳ mẩu giấy nào nhặt được xung quanh.

Không chỉ làm triển lãm tranh, viết sách về đồng đội, ông còn xuất bản những cuốn sách về hậu quả chất độc da cam. David Thomas chia sẻ rằng, cách đây hai năm ông bị chẩn đoán mắc bệnh parkinson, một phần nguyên nhân cũng là do chất độc da cam. Chính những nỗi đau mà không chỉ ông mà còn hàng nghìn người Việt và người Mỹ đang phải chịu đựng lại trở thành động lực thôi thúc ông viết sách để những nạn nhân của chiến tranh không bị lãng quên. Với ông, nghệ thuật chính là cánh cửa luôn mở để hàn gắn những “vết thương” trong quan hệ Việt - Mỹ.

“Không có kẻ thù nào”

Chuỗi chân dung Hồ Chí Minh của David Thomas cũng để lại những ấn tượng sâu sắc. Đằng sau những bức chân dung ấy là cả một quá trình chuyển hóa trong tư tưởng của một cựu binh Mỹ.

David Thomas là nhà sáng lập Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương. Ông đã nhận được nhiều danh hiệu danh giá, trong đó có Học bổng Cao cấp của Fulbright tại Việt Nam năm 2002-2003 và bằng Tiến sĩ Danh dự về Nghệ thuật năm 2016 của trường Cao đẳng Nghệ thuật Maine.

David Thomas chia sẻ, khi còn ở Pleiku, nghe tin Hồ Chí Minh mất, đó là lần đầu tiên ông biết về Bác Hồ. Là người lính Mỹ bên kia chiến tuyến với những người lính Cụ Hồ, ông Thomas khi ấy không có bất kỳ cảm xúc nào trước sự ra đi ấy cho đến khi quay lại Việt Nam vào năm 1987, nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ được treo trang trọng ở tất cả những nơi mình đến. Ông cảm nhận được người Việt Nam kính trọng Hồ Chí Minh như thế nào và bắt đầu tìm hiểu về con người vĩ đại này.

Ông luôn tâm niệm rằng nếu không có cuộc chiến tranh thì sẽ không có những mất mát, đau thương, con người Việt sẽ không chịu cảnh đói khổ và lạc hậu trong nhiều năm đến như vậy. Ông muốn người Mỹ biết đến Hồ Chí Minh, vị Cha già của dân tộc Việt Nam. David Thomas bị thu hút mạnh bởi những bức ảnh chân dung Bác Hồ. Ông lưu giữ hình ảnh và khuôn mặt của Người trong tâm trí và bắt tay vào sáng tác hơn 50 tác phẩm hội họa về Hồ Chí Minh. Ý định xuất bản một cuốn sách giới thiệu về chân dung Hồ Chí Minh cũng bắt đầu nhen nhóm trong ông từ đó. Đến năm 2000, David Thomas cộng tác với một người bạn đã cho ra đời tại Mỹ một tác phẩm có thể xem là độc đáo được mang tên “Chân dung Hồ Chí Minh” của một họa sỹ.

Những triển lãm hay những cuốn sách, đối với David Thomas, có lẽ là những nhịp cầu nho nhỏ bắc qua ngăn cách văn hóa và tình cảm giữa những con người từng ở trong một cuộc chiến. Càng làm được nhiều những công việc này, David Thomas càng có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, nghe những câu chuyện bất tận về tinh thần sống cũng như khao khát hòa bình của tất cả các bên. Với ông, “thực tế, chúng ta không có kẻ thù nào cả. Kẻ thù là do ai đó sáng tạo ra mà thôi”.

Phương Hà

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/han-gan-va-hoa-giai-theo-cach-nguoi-nghe-sy-81180.html