Hạn hán diễn biến phức tạp ở Miền Trung

Nắng nóng kỷ lục kéo dài ở các tỉnh miền Trung không chỉ khiến cháy rừng xảy ra liên tiếp mà sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan phải thực hiện ngay các biện pháp cấp bách để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nước tưới cho cây trồng, khắc phục nắng hạn, xâm nhập mặn.

Nắng nóng gay gắt kéo dài là nguyên nhân chính

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ tính riêng các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ có 5.240ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước; tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng khá nghiêm trọng, với tổng số hơn 61.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, tình trạng hạn hán, thiếu nước gay gắt hơn với tổng diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước là 16.340ha. Trong đó, diện tích cây trồng bị chết là 516ha. Diện tích bị hạn hán, thiếu nước chủ yếu thuộc cuối hệ thống kênh của các công trình thủy lợi lớn (10.400ha), diện tích còn lại thuộc các hồ chứa, trạm bơm nhỏ. Số hộ dân thiếu nước sinh hoạt khoảng 52.800 hộ.

Nguyên nhân của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông đã xuống thấp nhất lịch sử, một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết. Trong tháng 4-2019, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều nơi ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ đã xuất hiện các kỷ lục về nhiệt độ cao nhất như tại Hương Khê (Hà Tĩnh) đã đo được là 43,4 độ C, cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Các đợt mưa ở Trung Bộ thường ngắn và không lớn. Lượng mưa từ tháng 1 đến 6-2019 ở Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 20-90%. Lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ 35-60%, một số sông hụt hơn 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên),... Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.

Hiện dung tích trung bình các hồ chứa thủy lợi chỉ đạt 30-60% dung tích thiết kế. Mực nước nhiều hồ chứa thủy điện ở Trung Bộ xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) 15-20m, như: Hồ A Vương (Quảng Nam), hồ Đăk Đrinh, hồ Nước Trong (Quảng Ngãi); hồ Cửa Đạt, Hủa Na (Thanh Hóa); Bản Vẽ (Nghệ An); Bình Điền (Thừa Thiên-Huế). Đặc biệt, một số hồ đã xuống dưới mực nước chết, như: Trung Sơn (Thanh Hóa); Sông Tranh 2, Sông Bung 4A (Quảng Nam); Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom (Bình Định).

Người và cây trồng, vật nuôi đều thiếu nước

Theo dự báo, từ nay đến tháng 8-2019, nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, vùng núi phía Tây Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt. Tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ trong tháng 8 và 9-2019 phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ 10-30%; các tháng khác tiếp theo phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ 10-25%. Tuy nhận định trong tháng 8 và tháng 9-2019 lượng mưa tăng hơn nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8-2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với TBNN phổ biến 40-65%, một số nơi thiếu hụt hơn 80% như ở các tỉnh: Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.

Mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp hơn nhiều so với TBNN cùng kỳ. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tập trung tại các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Theo Bộ NN&PTNT, dự báo tổng cộng sẽ có khoảng 65.500ha cây trồng (lúa 55.400ha, cây hằng năm 10.100ha) bị hạn hán, thiếu nước; khoảng 138.800 hộ dân có khả năng thiếu nước sinh hoạt, trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ khoảng 70.800 hộ (Nghệ An 10.000 hộ, Hà Tĩnh 5.500 hộ, Quảng Bình 35.000 hộ, Quảng Trị 9.500 hộ, Thừa Thiên-Huế 10.800 hộ), khu vực Nam Trung Bộ khoảng 68.000 hộ (Đà Nẵng 700 hộ, Quảng Nam 32.000 hộ, Quảng Ngãi 13.600 hộ, Bình Định 11.400 hộ, Phú Yên 10.000 hộ, Khánh Hòa 300 hộ).

Nỗ lực phòng, chống hạn

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cho hay: Ngay khi hạn hán xảy ra, Bộ NN&PTNT đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều tiết nước các hồ chứa thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi, sông Cả, An Khê- Ka Nak. Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, có các bản tin tổng hợp để kịp thời hướng dẫn, cảnh báo và hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Xác định và khoanh vùng các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng hằng năm, để chủ động cắt giảm diện tích gieo trồng, bố trí mùa vụ, cơ cấu giống, chuyển đổi cây trồng và tổ chức sản xuất phù hợp để hạn chế thiệt hại xảy ra. Bố trí nhóm giống ngắn ngày, nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Chuyển đổi cây trồng trên diện tích thường xuyên bị hạn, nguy cơ hạn cao và phát triển các cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt: Đậu nành, đậu tương, vừng, cây ăn quả, cây thức ăn gia súc gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và liên kết sản xuất. Một số diện tích lúa hè thu bị chết đã được gieo lại bằng các giống ngắn ngày, hoặc chuyển đổi sang cây rau, màu.

Để bảo đảm nước sinh hoạt trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, cần tăng cường tuyên truyền các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước sinh hoạt; tận dụng mọi nguồn nước hiện có trên địa bàn, chủ động tích trữ nước vào ao, hồ, lu, bể phục vụ cấp nước hộ gia đình; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung để phát huy hết công suất thiết kế. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương đã tổ chức thực hiện các giải pháp thủy lợi bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, như: Nạo vét kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến, tăng cường bơm nước, đắp đập tạm ngăn mặn, giữ nước... Đặc biệt, đã chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất lúa và chuyển sang cây trồng cạn vụ hè thu, vụ mùa để phù hợp với tình hình nguồn nước theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT. Để bảo đảm nước sinh hoạt, địa phương cần hỗ trợ người dân khơi, đào thêm các giếng nước; tổ chức các điểm cấp nước tập trung dùng xe téc cung cấp nước cho người dân; cấp nước luân phiên từ các công trình cấp nước tập trung; hỗ trợ đường ống, bơm dã chiến lấy nước từ nguồn xa về các cụm dân cư.

NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/han-han-dien-bien-phuc-tap-o-mien-trung-583341