Hàn – Nhật đã không còn bước lùi?

Việc Hàn Quốc rút khỏi Hiệp định GSOMIA có thể phủ thêm bóng đen u ám lên mối quan hệ vốn đã chạm đáy với Nhật Bản khi những căng thẳng kinh tế đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm.

Việc Hàn Quốc rút khỏi Hiệp định GSOMIA có thể phủ thêm bóng đen u ám lên mối quan hệ vốn đã chạm đáy với Nhật Bản khi những căng thẳng kinh tế đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm.

Người Hàn Quốc biểu tình phản đối Nhật Bản.

Người Hàn Quốc biểu tình phản đối Nhật Bản.

Kyodo ngày 23-8 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hàn Quốc ngày 23-8 đã chính thức thông báo cho Nhật Bản về quyết định chấm dứt Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) giữa hai nước trong bối cảnh tranh cãi leo thang giữa quốc gia láng giềng này. Chiều cùng ngày, Đại sứ Nhật Bản tại Seoul Yasumasa Nagamine được triệu đến trụ sở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và được thông báo về tuyên bố liên quan việc chấm dứt GSOMIA.

Vì sao Hàn rút khỏi Hiệp định GSOMIA?

Trong một tuyên bố, Hàn Quốc viện dẫn lý do cho quyết định nhạy cảm lần này là - có sự thay đổi lớn về các điều kiện an ninh do những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Nhà Xanh tuyên bố, hoạt động trao đổi thông tin tình báo quân sự với Tokyo không đáp ứng “các lợi ích quốc gia” của nước này.

Seoul sau đó cũng hé lộ cách chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo sau khi chấm dứt GSOMIA. Phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong ngày 23-8 cho biết, nước này sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản thông qua kênh 3 bên liên quan đến Mỹ. Theo ông Kim Hyun-chong, quyết định chấm dứt GSOMIA là không thể tránh được do Tokyo đã phớt lờ những đề nghị liên tiếp của Seoul về đối thoại để giải quyết tranh cãi liên quan vấn đề lao động Hàn Quốc bị cưỡng ép thời chiến.

Trước những lo ngại quyết định chấm dứt GSOMIA sẽ làm suy yếu liên minh Hàn – Mỹ, Seoul khẳng định sẽ đẩy mạnh liên minh quân sự với Washington. Ông Kim Huyn-chong, Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, trao đổi với báo giới rằng Seoul sẽ cố gắng tăng cường năng lực quốc phòng thông qua việc đưa vào sử dụng các vệ tinh quân sự và các thiết bị do thám khác.

Nhật phản ứng gay gắt

Việc Hàn Quốc rút khỏi Hiệp định GSOMIA có thể phủ thêm bóng đen u ám lên mối quan hệ vốn đã chạm đáy với Nhật Bản khi những căng thẳng kinh tế đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm.

Trong tuyên bố hôm 23-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ trích Hàn Quốc đang tiếp tục làm tổn hại quan hệ tin cậy thông qua việc quyết định chấm dứt Hiệp định GSOMIA. Phát biểu với phóng viên tại văn phòng thủ tướng Nhật Bản, ông Abe nhấn mạnh, quyết định này không nên có tác động tiêu cực tới sự hợp tác an ninh ba bên giữa Nhật, Mỹ và Hàn. Tuy nhiên, ông hối thúc Seoul “giữ cam kết giữa các nước”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cũng phản ứng khá gay gắt trước quyết định của Hàn Quốc, cho rằng, quyết định chấm dứt GSOMIA giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á là cực kỳ đáng tiếc. Tại Mỹ trong một tuyên bố, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và “thất vọng” về quyết định của Hàn Quốc.

Trong khi đó, đã có những phản ứng trái chiều ở Hàn Quốc về quyết định chấm dứt GSOMIA. Trong khi đảng cầm quyền Dân chủ Đồng hành, đảng Công lý, đảng Hòa bình Dân chủ hoan nghênh việc chính phủ Hàn Quốc quyết định chấm dứt GSOMIA, 2 đảng đối lập Hàn Quốc Tự do và Tương lai Chính nghĩa lại bày tỏ quan ngại sâu sắc. Theo đó, Đảng Dân chủ đồng hành cho rằng chính phủ cần phải có biện pháp thích đáng đáp trả hành vi ngạo mạn của Nhật Bản. Đảng Công lý nhắc lại việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bài phát biểu mừng Quốc khánh ngày 15-8 đã đề xuất đối thoại và hợp tác với Nhật Bản, nhưng Tokyo không chịu thay đổi thái độ, thậm chí còn trở nên ngạo mạn hơn, dẫn tới kết quả ngày hôm nay.

Ngược lại, đảng Hàn Quốc Tự do bày tỏ lo ngại mâu thuẫn lịch sử giữa hai nước đang lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế, an ninh, đồng thời nghi ngờ chính phủ đương nhiệm thay vì coi trọng quan hệ đồng minh truyền thống Hàn - Mỹ - Nhật, lại đang có xu hướng đi theo trục Nga - Trung - Triều. Đảng Tương lai Chính nghĩa cũng bày tỏ lấy làm tiếc về sự đối phó cảm tính và khinh suất của chính phủ, lo ngại quyết định này sẽ khiến Mỹ quay lưng lại với Hàn Quốc..

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_211513_han-nhat-da-khong-con-buoc-lui-.aspx